Tồn tại một thực trạng đáng lo ngại trong thanh niên

09/11/2024 06:00 GMT+7

Thờ ơ, vô cảm, né tránh trách nhiệm; mơ hồ, lệch lạc trong nhận thức; thiếu niềm tin… là những biểu hiện về một thực trạng đáng lo ngại của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Tại hội thảo "Khắc phục tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" trong một bộ phận thanh niên Việt Nam hiện nay", do Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Lý luận trẻ thuộc Đoàn khối các cơ quan T.Ư tổ chức, các đại biểu nhận định trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự phổ biến của các trang mạng xã hội như hiện nay, những biểu hiện của tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn bao giờ hết. Đây là thực trạng đáng lo ngại và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Học các môn lý luận chính trị chỉ để đối phó, điểm danh…

Thạc sĩ Phan Hoàng Ngọc Anh, Học viện Chính trị khu vực II, cho biết thực chất của tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" rất phức tạp và đa chiều. Tình trạng này biểu hiện ở sự thờ ơ, vô cảm; né tránh trách nhiệm của bản thân, không dám đấu tranh, phê phán đối với những quan điểm, biểu hiện sai trái. Đó cũng là sự mơ hồ, lệch lạc trong nhận thức; là sự nghi ngờ tính hiệu quả trong việc lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, thiếu niềm tin vào nghị quyết, chương trình hành động của các cấp bộ Đoàn; là ngại sinh hoạt Đoàn; là sự phấn đấu cầm chừng, ngại rèn luyện. Bên cạnh đó, còn xuất hiện một nhóm thanh niên thiếu niềm tin, thậm chí có xu hướng phản đối và chỉ trích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Tồn tại một thực trạng đáng lo ngại trong thanh niên- Ảnh 1.

Bạn trẻ chia sẻ tại hội thảo

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Tồn tại một thực trạng đáng lo ngại trong thanh niên- Ảnh 2.

Bạn trẻ chia sẻ tại hội thảo

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Theo thạc sĩ Ngọc Anh, sở dĩ có tình trạng này là do thanh niên hiện đại có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và nền văn hóa đa dạng, dẫn đến thay đổi trong cách nhìn nhận về giá trị và trách nhiệm đối với xã hội. Thanh niên ngày nay có xu hướng tập trung vào việc phát triển bản thân, sự nghiệp cá nhân hơn là các vấn đề chung của cộng đồng.

"Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị đôi khi còn nặng về lý thuyết, thiếu tính hấp dẫn, gần gũi với giới trẻ. Ngoài ra, những vụ việc tiêu cực trong xã hội làm giảm niềm tin của thanh niên vào Đảng và Nhà nước. Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến thanh niên ít có thời gian và tâm trí để quan tâm đến các vấn đề xã hội", thạc sĩ Ngọc Anh nói.

Anh Đinh Trung Sơn, Phó bí thư Đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng vẫn còn một bộ phận đoàn viên, thanh niên không có lòng tha thiết vào Đảng cũng như không quan tâm đến những vấn đề chính trị. Họ không coi đó là những điều liên quan và ảnh hưởng đến bản thân và gia đình mình, thiếu niềm tin vào tổ chức, coi yếu tố vật chất trên hết, thoái thác nghĩa vụ của một người công dân...

"Thực trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" trong một bộ phận thanh niên Việt Nam hiện nay là vấn đề đáng báo động. Nếu chúng ta không có những hành động kịp thời, tình trạng này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh niên, mà còn đe dọa đến tương lai của đất nước", anh Sơn nhận định.

Tồn tại một thực trạng đáng lo ngại trong thanh niên- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội thảo

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Ở một tiếp cận khác, Lê Nguyễn Thảo Phương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết hiện nay một bộ phận đoàn viên, sinh viên lười học, ngại học và không nhận thức được vai trò quan trọng của lý luận chính trị.

"Trong các buổi hội thảo và hội nghị bồi dưỡng nhận thức về Đảng, hình ảnh sinh viên được cử đi học nhưng mang tư tưởng đối phó, chỉ tham gia để điểm danh không phải là hiếm. Một số bạn chỉ xuất hiện vào đầu buổi để điểm danh rồi tìm cách ra về với nhiều lý do. Thậm chí, sau mỗi đợt học chính trị tập trung, nhiều sinh viên còn để lại tài liệu và văn kiện ngay tại giảng đường, dưới gầm bàn. Không ít sinh viên có suy nghĩ hạn chế rằng chỉ những ai muốn phấn đấu trở thành cán bộ, đảng viên trong tương lai mới cần học tốt các môn lý luận chính trị; còn lại, đa phần chỉ học cho xong, học đối phó, học cho có", Phương thẳng thắn nhìn nhận.

Phương cho rằng bệnh lười học tập lý luận chính trị không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mỗi sinh viên mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với Đảng, Đoàn, thậm chí là toàn xã hội. Thờ ơ, lười học lý luận chính trị sẽ làm suy yếu ý thức về trách nhiệm công dân của sinh viên, khiến sinh viên dễ bị cuốn vào lối sống thực dụng, ích kỷ và thiếu tinh thần tập thể…

Giải quyết tình trạng này thế nào?

Đề xuất những giải pháp cụ thể, thạc sĩ Ngọc Anh cho rằng cần thông qua công tác tuyên truyền, vận động và bằng chính việc thực hành nêu gương trong đội ngũ cán bộ Đoàn, tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm công dân trong mỗi thanh niên. Cần phải coi đây là nhiệm vụ cần thiết để xây dựng một thế hệ trẻ gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Tồn tại một thực trạng đáng lo ngại trong thanh niên- Ảnh 4.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng mỗi đảng viên phải thực sự là người nêu gương trong việc giáo dục để thanh niên “không nhạt Đảng, khô Đoàn”

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Đặc biệt, thạc sĩ Ngọc Anh nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là cần phát huy vai trò tự phát hiện và tự chữa bệnh của mỗi thanh niên. Bởi suy đến cùng, mọi phương thức tác động của các chủ thể "chữa bệnh" chỉ có hiệu quả khi và chỉ khi "người bệnh" chủ động tiếp nhận, biến quá trình điều trị thành quá trình tự điều trị".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điển, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực II, nhìn nhận "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" không chỉ là một cụm từ mô tả hiện tượng, mà còn phản ánh một thực trạng sâu xa hơn. Đó là sự suy giảm niềm tin vào lý tưởng, sự giảm sút ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và đất nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân những cá nhân này mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Điển, vai trò của cấp ủy cơ sở trong việc giải quyết vấn đề này là vô cùng quan trọng. Là nơi gần gũi nhất với quần chúng, đặc biệt là thanh niên, cấp ủy cơ sở nắm giữ vai trò then chốt trong việc định hướng tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh và phát triển thanh niên toàn diện.

Tồn tại một thực trạng đáng lo ngại trong thanh niên- Ảnh 5.

Hội thảo với sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; anh Bùi Hoàng Tùng, Ủy viên Ban thường vụ T.Ư Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các Cơ quan T.Ư; tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Lan, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban Công tác Đảng – Đoàn thể; anh Đào Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm CLB Lý luận Đoàn Khối các Cơ quan T.Ư, Bí thư Đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chị Lâm Như Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre, cho rằng Câu lạc bộ Lý luận trẻ là một giải pháp hiệu quả góp phần từng bước đẩy lùi thực trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị".

Chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động của Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh Bến Tre, chị Như Quỳnh gây ấn tượng với giải pháp đội hình chuyên Lý luận trẻ: "Đây là đội hình chuyên đầu tiên trong cả nước do CLB Lý luận trẻ cấp tỉnh tổ chức để tham gia Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Nhiều người ngạc nhiên là CLB Lý luận trẻ nhưng lại có đội hình chuyên tham gia tình nguyện. Nhưng đội hình đi để bồi dưỡng lý luận chính trị cho thanh niên. Từ đó lý luận sẽ "mềm" hơn và tiếp cận được nhiều thanh niên hơn. Hoạt động của đội hình chủ đích hướng về các địa phương đang là điểm nóng chính trị xã hội của tỉnh, qua hoạt động của đội hình, CLB tổ chức thăm dò, nắm bắt dư luận, tư tưởng của đoàn viên, thanh niên và người dân để báo cáo, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn…".

Chị Nguyễn Thu Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cần có giải pháp đồng bộ giữa xây và chống. Theo chị Hà, xây ở đây là xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhận thức cho mỗi cá nhân. Bằng cách nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, ý chí vươn lên…, khi thanh niên có niềm tin sẽ miễn dịch với những tác động xấu. Còn chống không đơn thuần là chống, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực mà ngoài chống còn phải giữ gìn, bảo vệ những giá trị chúng ta đã xây dựng…

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, kể câu chuyện về một người thân từng không muốn vào Đảng vì trong Chi bộ tại nơi công tác thường xuyên thưa kiện, tranh cãi… tức là đảng viên đã không gương mẫu.

"Kể câu chuyện như vậy để thấy rằng khi giáo dục thế hệ thanh niên không "nhạt Đảng, khô Đoàn" thì những tổ chức Chi bộ và đảng viên phải hết sức nêu gương. Phải là tấm gương để học tập, tấm gương của sự trí tuệ, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Bên cạnh đó, giáo dục truyền thống cho thanh niên phải liên tục và thấm từ từ", PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.