Tôn trọng hay không tôn trọng?

20/06/2012 03:08 GMT+7

Khẩu hiệu “Tôn trọng” (Respect) được UEFA giương cao, trở thành chương trình quan trọng của Euro 2012. Nhưng người ta có thật sự tôn trọng nhau?

Khẩu hiệu “Tôn trọng” (Respect) được UEFA giương cao, trở thành chương trình quan trọng của Euro 2012. Nhưng người ta có thật sự tôn trọng nhau?

Cuộc đụng độ giữa cổ động viên quá khích người Nga và Ba Lan quanh trận đấu hồi đầu giải không còn là duy nhất. Khi Euro 2012 càng vào sâu, nhiều vụ việc liên quan tới kỳ thị chủng tộc, quá khích, bạo lực đã xảy ra. Mới đây, ban tổ chức đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước hành vi của cổ động viên Croatia trong trận đấu với Ý. Một số người Croatia đã dùng bom khói tự tạo và vật cứng ném xuống sân, kèm theo đó là những lời miệt thị nhằm vào cầu thủ da màu Balotelli của Ý. Sự việc này khiến Chủ tịch UEFA Michel Platini nổi khùng: “Croatia có một đội tuyển mạnh, nhưng họ cũng có vài trăm kẻ thối tha trong số cổ động viên. Kỳ thị chủng tộc là điều không thể chấp nhận được. Một vụ như vậy là quá nhiều rồi”.

Một vụ đã quá nhiều, nhưng tại Euro 2012, đã có hơn một vụ như thế. Trong trận đấu Ý - Tây Ban Nha tại Gdansk, Balotelli cũng trở thành đích ngắm của những lời lẽ kỳ thị, xuất phát từ một vài cổ động viên xứ sở bò tót. Nhiều cáo buộc kỳ thị cũng đã được các cầu thủ Hà Lan đưa ra, khi một số buổi tập của họ tại Krakow bị đám đông la ó.

 Tôn trọng hay không tôn trọng?
Các cổ động viên tại Euro - Ảnh: Đ.H

Vào đầu giải, ông Platini cùng cựu trọng tài Pierluigi Collina và cựu danh thủ Hà Lan Clarence Seedorf đã nhấn nút khởi động một trong những chủ đề của Euro 2012, chương trình mang tên Respect (tôn trọng). Respect chú trọng vào việc khuyến khích cầu thủ đổi áo cho nhau sau trận đấu, một hình ảnh biểu trưng cho tình hữu nghị, sự tôn trọng lẫn nhau. Respect còn có mục tiêu cổ súy cho văn hóa đẹp của cổ động viên, tôn trọng sự khác biệt - tức là chống phân biệt chủng tộc, chống thuốc lá...

Trong cuộc họp báo ra mắt ở Sân vận động Quốc gia tại Warsaw, Chủ tịch Michel Platini tuyên bố UEFA sẽ mạnh tay với các hành vi bạo lực, kỳ thị. Trả lời báo chí cách đây hai hôm, huyền thoại bóng đá Pháp cũng khẳng định sẽ phạt nặng LĐBĐ của những nước có cổ động viên có hành vi phân biệt chủng tộc tại Euro 2012. Ông còn trao quyền cho các trọng tài được phép dừng trận đấu khi trong sân xảy ra tệ kỳ thị chủng tộc. “Phân biệt chủng tộc là một vấn đề lớn cho Ba Lan, cho Ukraine và cho chúng tôi. UEFA sẽ làm hết sức mình để chống lại nó”, ông Platini nói. 

Không là cá biệt

Nhưng không chỉ các cổ động viên quá khích, báo chí cũng đang bị chỉ trích dữ dội về những cái nhìn nhiều định kiến của mình. Trước khi trái bóng Tango 12 lăn, nhiều tờ báo Anh đã cảnh báo cổ động viên của họ nên “thận trọng” khi đến Ba Lan và Ukraine vì ở đấy có nhiều mối đe dọa từ các nhóm cực hữu, tệ nạn mại dâm với HIV tràn lan... Hãng tin BBC thậm chí còn phát một phim tài liệu, trong đó có nhiều “bằng chứng về kỳ thị chủng tộc” ở Ukraine và Ba Lan. Sol Campbell, một cựu tuyển thủ da màu của Anh, cảnh báo: “Bạn nên ngồi nhà xem bóng đá. Nếu đến đó, bạn có nguy cơ trở về bằng quan tài”. Có vẻ như báo chí Anh đã khá thành công trong việc vẽ nên một bức tranh xám xịt về tệ bài ngoại tại Ba Lan và Ukraine, khi có nhiều cổ động viên tuyên bố ở nhà xem Euro. Giới chức, báo chí và người dân tại Ba Lan và Ukraine đã đáp lại cáo buộc của báo chí Anh bằng những tuyên bố giận dữ, cũng như bằng những hành động của mình.

Từ thực tế tác nghiệp tại Ukraine và Ba Lan, chúng tôi cũng thấy rằng một số tờ báo, đặc biệt là của Anh, dường như còn giữ nặng thành kiến đối với Ba Lan và Ukraine. Trong khi nạn cực hữu, kỳ thị là có thật tại hai nước đồng chủ nhà, thì cũng thật khó có bằng chứng để khẳng định rằng tình hình ở hai quốc gia này nghiêm trọng hơn các nước châu Âu khác. Bản thân tôi đã nhiều lần cọ xát với những người Ukraine và Ba Lan, và thấy họ luôn dễ mến, hiếu khách và chơi hết mình. “Báo chí nước ngoài ba xạo đấy. Dân Ukraine hiền khô. Mình ở đây mấy chục năm rồi, thấy dân bản địa hiền và tốt bụng”, anh Thủy, một người Việt sống gần ga trung tâm Donetsk, đã nói như thế khi tôi muốn tìm hiểu cái gọi là mối đe dọa của chủ nghĩa cực hữu tại Ukraine. “Do kinh tế khó khăn, nên dân chúng cũng bớt sôi nổi, bớt nhậu nhẹt, mua sắm, khâu tổ chức cũng khiếm khuyết đôi chỗ. Nếu như cách đây vài năm thì tình hình chắc còn sôi động hơn. Còn chuyện bài ngoại gì đó thì mình chưa thấy, có chăng chỉ ở một bộ phận nhỏ”, anh Thủy khẳng định.

Công bằng mà nói, công tác tổ chức Euro 2012 lần này còn nhiều vấn đề, chủ yếu là do kinh nghiệm và năng lực (bao gồm cả năng lực kinh tế lẫn năng lực tổ chức). Ngoài điều đó ra thì mọi chuyện không có gì đáng phàn nàn. Người Ukraine và Ba Lan luôn nhiệt tình, hiếu khách. Tới đâu, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tốt từ các tình nguyện viên, từ người dân và nhà tổ chức. Ở khía cạnh này thì Euro 2012 không hề kém Euro 2008 ở Thụy Sĩ, hay World Cup 2006 ở Đức, 2010 ở Nam Phi, những giải đấu mà tôi tham gia tác nghiệp. Vụ việc xảy ra bên lề trận đấu Ba Lan - Nga, vốn được coi là vụ căng thẳng lớn nhất từ đầu Euro đến nay, chủ yếu xuất phát từ những xung khắc truyền thống giữa cổ động viên hai nước, khó có thể phát triển thành một làn sóng bài ngoại rộng khắp như báo chí từng cảnh báo.

Đỗ Hùng
(từ Warsaw, Ba Lan)

>> WAGs Anh bị chê quê mùa
>> Lewandowski sang năm sẽ cưới
>> Sara Carbonero không hoàn thành nhiệm vụ vì Casillas 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.