Tôn vinh người “đặc biệt”

19/08/2013 11:00 GMT+7

Quyết định công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa cho luật sư Phan Anh sáng 17.8 tại Hà Nội được coi là một bước tiến mới trong nhận thức lịch sử.

Sáng 17.8, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ban Liên lạc cựu học sinh Trường thanh niên tiền tuyến Huế đã công bố quyết định công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa cho hai vị sáng lập trường. Đó là luật sư Phan Anh, GS Tạ Quang Bửu. Điều này chính thức ghi nhận công lao của các ông với cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 sau nhiều năm. Nhưng với luật sư Phan Anh, điều đó còn đặc biệt hơn. Bởi trong nhận thức của nhiều người, ông là một thành viên trong nội các Trần Trọng Kim - nội các do phát xít Nhật dựng lên hồi năm 1945.

 

Bớt đi những định kiến mà đánh giá bằng cách nhìn đúng vào diễn biến, bản chất và ảnh hưởng của sự kiện trong bối cảnh lịch sử cụ thể

Sau khi đảo chính Pháp ngày 9.3.1945, trong những nỗ lực kiểm soát Đông Dương, phát xít Nhật dựng lên nội các Trần Trọng Kim với âm mưu sử dụng bộ máy này cho những toan tính của chúng. Tuy vậy, nhiều người trong nội các Trần Trọng Kim là những trí thức có uy tín với nhân dân, là những nhà giáo, luật gia, nhà báo… và đều có những hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước như GS Hoàng Xuân Hãn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật, luật sư Trịnh Đình Thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp… Luật sư Phan Anh - trước đó đã nổi tiếng với những bài viết sâu sắc về văn hóa và pháp quyền trên tờ Thanh Nghị.

Cùng GS Tạ Quang Bửu, vị luật sư này đã sáng lập một tổ chức chính thức để công khai tập hợp và rèn luyện thanh niên, sinh viên yêu nước ở Huế. Hai ông huấn luyện quân sự cho họ, chuẩn bị lực lượng để đón thời cơ giành lại độc lập dân tộc đang đến gần. Tháng 7.1945, Trường thanh niên tiền tuyến Huế được chính thức thành lập với 43 học viên. Trường nhanh chóng gia nhập và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, của Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế và Xứ ủy Trung kỳ. Học viên của trường làm nhiều việc quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945 ở Huế: treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trước Ngọ môn, bảo vệ buổi thu ấn kiếm của Bảo Đại. Từ trường này, cách mạng đã có hai Bộ trưởng Quốc phòng (Phan Anh và Tạ Quang Bửu), tám vị tướng, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín.


Đại diện gia đình luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu nhận lời chúc mừng của T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ảnh: Ngữ Thiên 

Bước tiến trong nhận thức

Đã có một thời gian khá dài tới trên dưới 60 năm, nội các Trần Trọng Kim bị lên án gay gắt.  Những người tham gia nội các từng bị coi là “bù nhìn”, “thân Nhật”. Họ thậm chí bị cho là “bán nước cầu vinh” và xếp chung trong một “giỏ” phản động... Nhìn sâu hơn, có thể thấy do nhiều yếu tố, chính phủ này bất lực cả trong tiêu chí “bù nhìn” (với quân Nhật) và cả với những ý nguyện ích quốc lợi dân mà nó tuyên cáo. Dù là “bù nhìn” thân Nhật song không phải tất cả các thành viên trong nội các đó đều là tay sai hay là kẻ hợp tác với Nhật.

Nhận thức lịch sử là một quá trình. Mỗi sự kiện lịch sử, mỗi nhân vật lịch sử đều cần có một “độ lùi lịch sử” nhất định để đánh giá chân xác sự thực và giá trị. Đã qua 68 năm, những sự nhìn nhận đánh giá đã hướng tới khách quan và công bằng hơn. Việc quyết định công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa ghi nhận vai trò và tôn vinh những cống hiến, đóng góp của luật sư Phan Anh và GS Tạ Quang Bửu cùng với những cựu học sinh Trường thanh niên tiền tuyến Huế nói chung.

Việc công nhận này đã được giới sử học nhìn nhận như một bước tiến trong nhận thức lịch sử của chúng ta nói chung. Bớt đi những định kiến mà đánh giá bằng cách nhìn đúng vào diễn biến, bản chất và ảnh hưởng của sự kiện trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, điều này càng có ý nghĩa tri ân người có công và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

TS Ngô Vương Anh

>> “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”
>> Phục dựng lịch sử qua những câu chuyện
>> Thủ tướng Nhật Shinzo Abe: Sửa hiến pháp là sứ mệnh lịch sử của tôi
>> Phát huy giá trị di tích lịch sử ngục Kon Tum

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.