Tôn vinh những gia đình hiếu học

11/10/2007 22:05 GMT+7

Đại hội Gia đình hiếu học và Dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ 2 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội trong 2 ngày 9 và 10.10, với sự tham gia của 251 gia đình hiếu học và 70 dòng họ khuyến học.

Trong số những tấm gương sáng gia đình hiếu học được tôn vinh, có câu chuyện cảm động về một gia đình thương binh tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, đã vượt khó nuôi 7 người con vào đại học. Đó là ông Lê Văn In và bà Hai. Bản thân ông In bị thương tật 2/4. Cuộc sống ở vùng đất thừa nắng, thiếu mưa, ruộng đồng luôn bị hạn hán, mất mùa hết sức khốn khó. Đói khổ là thế nhưng ông bà quyết tâm nuôi các con ăn học. Cảm nhận được tấm lòng và sự hy sinh của bố mẹ, 7 người con của ông In đều cố gắng học và tốt nghiệp ĐH, CĐ. Cả 3 người con rể của ông In cũng rất thành đạt, có người là bí thư huyện ủy, có người là trung tá công tác tại Sở Công an Bình Thuận. Nếu tính cả con rể và cháu, hiện gia đình ông In có tới 12 người tốt nghiệp CĐ, ĐH và trên ĐH, 8 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chồng mất sớm, một nách nuôi hai con thơ, chị Nguyễn Thị Nê (ở địa chỉ 162/31/5 Trần Quang Diệu, TP Cần Thơ) vừa phải đảm trách vai trò người mẹ, người cha khi còn quá trẻ. Hằng ngày chị phải đi làm thuê, làm mướn. Được vợ chồng người bạn dạy cho cách nấu rượu, nuôi heo, ngày nào chị cũng thức từ 12 giờ đêm cho tới sáng ngồi nấu rượu. Khi 2 đứa trẻ thức giấc, 3 mẹ con lại dắt díu nhau đi cắt cỏ để bán. Cả 3 mẹ con làm quần quật cả ngày cũng chỉ kiếm được 5 đến 7 nghìn đồng. Mâm cơm của 3 mẹ con thường xuyên chỉ có một "thực đơn" duy nhất là mì tôm nấu canh, rất lâu mới có mỡ xào rau hoặc cá biển ươn kho mặn. Vì lao động quá sức, chị Nê bị mắc bệnh thương hàn. Thương mẹ, cả 2 người con của chị Nê đều học rất giỏi. Khi con đầu của chị Nê thi đậu lớp chuyên Tin học trường chuyên Lý Tự Trọng, chị phải bấm bụng đi vay 8 triệu với lãi suất 3%/tháng để mua máy tính cho con học. Biết được nỗi vất vả của mẹ, người con trai đầu đã cố gắng đạt học sinh giỏi môn Toán Tin của tỉnh năm lớp 11. Hiện em đã thi đỗ vào ĐH và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Người em thứ 2 cũng theo gương anh thi đỗ vào ĐH Cần Thơ, nhưng thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, em đã vào học Trung cấp An ninh để giảm bớt gánh nặng cho mẹ.

Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Văn Be ở ấp Bào Chấu, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cũng được nhiều người dân ở đây biết đến. Hai vợ chồng ông Be sinh được 6 người con. Thấy các con đã quá tuổi đi học, ở xóm lại không có trường, không có thầy, ông Be quyết định khăn gói lên đường đi tìm thầy giáo. Ông rước đứa cháu có trình độ cấp 2 của trường tiểu học Trần Văn Thời về làm thầy. Từ đó, các con ông Be được đi học. Cũng từ đó, gia đình ông Be nuôi giáo viên mười mấy năm trời, có lúc trong nhà ông có tới 3 giáo viên để dạy các con ông và những đứa trẻ trong ấp. Nhưng phòng học thì ít, học sinh quá đông, ông Be vận động phụ huynh đóng góp đất để làm thêm phòng học. Bản thân ông tự nguyện cắt một phần đất cất thêm 3 phòng học. Hiện nay, cả 6 người con của ông Be đều đã trưởng thành. Một người con đã có bằng tiến sĩ đang công tác tại ĐH Cần Thơ, 2 người con du học ở nước ngoài, 2 người con dạy học.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gọi cuộc vận động gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học là cách làm độc đáo tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt. Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đại hội Gia đình hiếu học và Dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2 là cuộc vận động quần chúng góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước nhà vươn ra biển lớn, sánh vai với các cường quốc năm châu trong quá trình hội nhập".

  Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.