Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Kiên định lập trường và thực hành 'dân là gốc'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/08/2024 19:15 GMT+7

Ngày 13.8, tại trụ sở T.Ư Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Thường trực Tiểu ban đã họp cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo chính trị do tổ biên tập xây dựng trên cơ sở đề cương chi tiết Báo cáo chính trị đã được Hội nghị T.Ư 9 khóa XIII thông qua.

Ngọn đuốc soi đường cho chúng ta đi

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, thời gian từ nay đến Đại hội XIV của Đảng không còn nhiều, công việc rất bộn bề. Các công việc chuẩn bị Hội nghị T.Ư 10 khóa XIII, theo báo cáo của Văn phòng T.Ư Đảng, nhiều việc chậm hơn so với kế hoạch.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Kiên định lập trường và thực hành 'dân là gốc'- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp

TTXVN

Vì vậy, lãnh đạo chủ chốt và Bộ Chính trị đã thống nhất từ nay đến cuối năm tập trung ưu tiên giải quyết nhóm các đề án trình Hội nghị T.Ư 10 và nhóm các đề án cần tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị thường trực Tiểu ban và tổ biên tập văn kiện rà soát các công việc được giao, trước mắt là các nội dung trình Hội nghị T.Ư 10 để tập trung cao độ chuẩn bị bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Để chuẩn bị tốt nhất dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, trên cơ sở tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung các văn kiện.

Về xây dựng văn kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị thống nhất nhận thức rằng, văn kiện là "ngọn đuốc soi đường" cho chúng ta đi, phải bảo đảm kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và tương lai; phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, cầm quyền; lợi ích quốc gia, dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, trong xây dựng văn kiện, cần kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc; nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra phương pháp cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Theo Tổng Bí thư, cần kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Văn kiện Đại hội XIV ngày 23.2, kết hợp chặt chẽ, khoa học giữa nền tảng tư tưởng, mục tiêu lý tưởng, đường lối của Đảng với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, tuân theo quy luật khách quan; kiên định đi đôi với đổi mới; kiên định một cách sáng tạo, sáng tạo một cách kiên định theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh; đổi mới phải có nguyên tắc, không tùy tiện, nóng vội, vừa thận trọng, kỹ lưỡng, song không quá cầu toàn, làm mất thời cơ.

"Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần này phải là một công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn; lấy thực tiễn là thước đo kiểm nghiệm chân lý, nắm bắt xu thế vận động của thời đại để tạo động lực phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu nội dung văn kiện phải bảo đảm phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; gắn kết tư tưởng và hành động, ý Đảng và lòng dân; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu nguy cơ, thách thức, mở ra triển vọng phát triển mới, mở rộng không gian sinh tồn, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Kiên định lập trường và thực hành 'dân là gốc'- Ảnh 2.

Phiên họp của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV

TTXVN

Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu xác định rõ một số định hướng lớn. Cụ thể là kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên.

Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, dốc toàn tâm, toàn lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, củng cố tiềm lực quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước, đặc biệt là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển con người toàn diện; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng phát triển, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch thông qua chuyển đổi số; tạo thuận lợi cao nhất cho mọi hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật, đóng góp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân, của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.

Không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất và tập trung dân chủ trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Huy động trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm "không ngừng", "không nghỉ", đưa cuộc chiến chống "giặc nội xâm" tới thắng lợi hoàn toàn; xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, quá trình xây dựng văn kiện phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển; bám sát các nguyên tắc, phương châm, phương pháp tư tưởng, hệ quan điểm chỉ đạo và cách làm đã được thống nhất; thảo luận thật sự dân chủ, kỹ lưỡng, xem xét nhiều mặt, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, cùng tìm ra chân lý, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó.

Cần đảm bảo báo cáo chính trị phải là báo cáo trung tâm, phải đặt ở tầm quan điểm, đường lối, chủ trương lớn; báo cáo xây dựng Đảng và báo cáo kinh tế - xã hội là các báo cáo chuyên đề, bảo đảm không trùng lặp; nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Đảng và phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, góp phần tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Nhấn mạnh, sắp tới công việc của Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban là rất nhiều, rất khó, đòi hỏi phải có sự cố gắng rất lớn, sự tập trung, nỗ lực rất cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Thường trực Tiểu ban, tổ biên tập dành thời gian, tâm sức thỏa đáng và có phương pháp làm việc rất khoa học, giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tiểu ban, thường trực tổ biên tập các tiểu ban khác để hoàn thành công việc với chất lượng cao và đúng tiến độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.