Tổng Bí thư: Dân hỏi Đảng sắp tới chọn nhân sự chủ chốt thế nào?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/03/2024 15:32 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải bằng mọi biện pháp, dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo của Đảng những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền...

Sáng 13.3, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cùng tham dự.

Chạy chức, chạy quyền vẫn còn

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cùng với việc thảo luận, thông qua các văn kiện, việc bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng, gọi tắt là công tác nhân sự, là một trong 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội Đảng.

Tổng Bí thư: Dân hỏi Đảng sắp tới chọn nhân sự chủ chốt thế nào?- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV tại phiên họp đầu tiên sáng 13.3

TTXVN

Theo Tổng Bí thư, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh. Năng lực cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém; không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường.

Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Theo Tổng Bí thư, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.

Theo Tổng Bí thư, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Chuẩn bị thật tốt nhân sự trình Đại hội XIV

Về yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội XIV, Tổng Bí thư nêu rõ 4 nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; diễn biến hòa bình) vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định.

Tổng Bí thư: Dân hỏi Đảng sắp tới chọn nhân sự chủ chốt thế nào?- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp

TTXVN

Cạnh đó, tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi.

"Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề", Tổng Bí thư nhấn mạnh, và cho rằng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội XIV thảo luận và quyết định nhân sự T.Ư khóa XIV, bảo đảm thành công của đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện nghị quyết đại hội.

Tổng Bí thư khẳng định, đây là công việc vô cùng quan trọng, cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân.

"Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?", Tổng Bí thư nêu.

Theo Tổng Bí thư, yêu cầu nói trên đòi hỏi T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Không đưa người phạm sai lầm, tham nhũng vào cơ quan lãnh đạo

Về nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành, Tổng Bí thư nêu rõ, để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng T.Ư Đảng mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.

Tổng Bí thư: Dân hỏi Đảng sắp tới chọn nhân sự chủ chốt thế nào?- Ảnh 3.

Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng

TTXVN

Tổng Bí thư lưu ý, việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.

Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch.

Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIV phải thật sự là những người tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ. Nói tóm lại là phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, công tác nhân sự đại hội vô cùng phức tạp, nhạy cảm, rất dễ phát sinh vấn đề, tâm tư day dứt. Do đó, Tổng Bí thư lưu ý, phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.

Muốn thế, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự, đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc.

Tổng Bí thư yêu cầu, phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

"Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

"Đừng nhìn gà hóa cuốc, thấy đỏ tưởng chín"

Về nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, Tổng Bí thư lưu ý, thành viên của Tiểu ban Nhân sự và Tổ giúp việc Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, phải là những cán bộ thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường, "đừng nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong"...

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, trong quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự, cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa.

"Các cụ ta đã có câu "nhân vô thập toàn", con người ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Ngọc còn có vết nữa mình với ta. Điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu đó để không chọn nhầm người và phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một ê kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh, không gây tổn thương cho lợi ích của Đảng, của quốc gia, của tập thể", Tổng Bí thư lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.