Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ngọn lửa về tri thức, lý luận

20/07/2024 12:39 GMT+7

Cho đến những ngày gần đây, khi sức khỏe giảm sút rõ rệt, thể lực yếu dần nhưng trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn vẹn nguyên, vẫn rực sáng.

Trong số các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có chủ đích rõ ràng khi chọn các ngành học mà ông cho là cần thiết cho công việc. Trong bài "Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng", Tổng Bí thư viết: "Chuẩn bị kết thúc năm học lớp 10 (tức lớp 12 ngày nay), nhà trường yêu cầu ghi nguyện vọng sau này làm gì và xin thi vào trường đại học nào. Tôi đã không ngần ngại ghi nguyện vọng được nghiên cứu văn học dân gian hoặc làm phóng viên báo chí và nộp đơn xin thi vào Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội... 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo Đại hội XIII Ảnh Đậu Tiến Đạt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngọn lửa về tri thức, về lý luận

Tôi đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, rồi Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu..., những hồn thơ thấm đẫm chất dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà năm học cuối khóa tôi đã chọn đề tài "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình... Với sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của GS Đinh Gia Khánh, tôi đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với điểm số tối ưu tuyệt đối duy nhất của khóa đó".

Bước đi tiếp theo, không phải là sự lựa chọn mà do tổ chức phân công, Tổng Bí thư về công tác ở Tạp chí Cộng sản, là cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, mấy năm sau được chọn làm nghiên cứu sinh tại Khoa Kinh tế - chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), rồi được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh và bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021). Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24.11.2021)

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng trải qua các cương vị Phó trưởng ban, Trưởng ban, rồi Ủy viên Ban biên tập, được Ban Bí thư và tiếp đó là Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Phó tổng biên tập (1990 - 1991), Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (1991 - 1996).

Từ 1.1994 đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Từ tháng 12.1997 đến nay, Tổng Bí thư là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII, được Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị giao lần lượt phụ trách Công tác Tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng; Thường trực Bộ Chính trị; Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV. 

Từ tháng 5.2002 đến nay là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, trong đó, từ tháng 6.2006 - 7.2011 là Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII. Từ tháng 1.2011 đến nay, ông được giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng các khóa XI, XII, XIII; Bí thư Quân ủy T.Ư; Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Ngày 18.7.2024, Tổng Bí thư được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của đất nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Ông thường nhắc các cộng sự của mình ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào có lý luận tiên phong hướng dẫn thì Đảng đó mới làm tròn được vai trò là người chiến sĩ tiên phong". 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải chủ động nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Phải gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; với xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người là chủ thể phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, không rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21. 

Cho đến những ngày gần đây, khi sức khỏe giảm sút rõ rệt, thể lực yếu dần nhưng trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn vẹn nguyên, vẫn rực sáng. Tổng Bí thư trao đổi, căn dặn các lãnh đạo cấp cao: để phục vụ và góp phần đạt được mục tiêu phát triển đất nước qua 3 dấu mốc quan trọng 2025, 2030, 2045 thì mục tiêu phát triển lý luận Việt Nam là gì? Phải chăng, đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện một cách cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới của nước ta. Hay đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới ra sao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng muốn bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nữa nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổng Bí thư căn dặn đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ngôi sao, ngọn lửa về tri thức, lý luận. Ông luôn chú ý nghiên cứu những vấn đề mới về lý luận của thế giới; các vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; kinh nghiệm của các nước tiên tiến; của cuộc cách mạng về khoa học công nghệ..., từ đó từng bước bổ sung, hoàn thiện lý luận, xây dựng một hệ thống lý luận của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: xây dựng và bảo vệ đất nước, mở cửa hội nhập, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, có vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.