Tổng chủ biên sách tiếng Việt 1 lên tiếng về phản ánh 'không dạy chữ P'

24/02/2022 14:53 GMT+7

Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, về phản ánh "không dạy chữ P" trong cuốn sách giáo khoa này. Tít chính và các tít phụ do Thanh Niên đặt.

Có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD-ĐT

Trước hết, xin khẳng định, bảng chữ cái trong sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD-ĐT (trang 12, tập một). Đây là quy định “cứng”, không có bất kỳ bộ sách giáo khoa nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ "P" qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen… (trang 78, 118, 120, 124… tập một). Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ "P" không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho tiếng Việt 1, bộ Kết nối không dạy chữ "P" là hoàn toàn không có cơ sở.

Thứ hai, vấn đề là dạy âm "P" (pờ) (được ghi bằng chữ "P", chữ pê) như thế nào. Trong tiếng Việt, âm "P" xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết; trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. Trước hết, xin nói về việc dạy âm "P" cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến).

Qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì có thể thấy rõ, sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ Kết nối, có dạy âm "P" cuối và dạy nhiều.

Những cách khác nhau để dạy âm "P"

Còn về việc dạy âm đầu "P" (pờ), tất cả các bộ sách tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: học xong lớp 1, học sinh có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì,… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau.

Cách thứ nhất: dạy âm đầu "P" (âm pờ) trong bài dạy âm "PH" (âm phờ). Trước khi học âm "PH", các em được luyện đọc âm "P", chứ không học âm "P" riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu "P".

Cách thứ hai: dạy âm "P" riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ.

Sách giáo khoa tiếng Việt 1 của Bộ GD-ĐT (theo chương trình tiếng Việt năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất và rất quen thuộc với đông đảo giáo viên dạy tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong 20 năm qua.

Sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ Kết nối, kế thừa cách dạy này. Sau khi làm quen, tập đọc âm "P" ngay trước khi học âm "PH", học sinh được luyện đọc âm đầu "P" trong một số bài học sau đó, chẳng hạn, khi học vần "IN", các em luyện đọc và viết từ đèn pin (trang 78, tập một), luyện đọc từ Sa Pa trong đoạn văn viết về Tây Bắc (trang 105 tập một) và trong bài đọc Ruộng bậc thang ở Sa Pa (trang 154, tập hai).

Vì sao chúng tôi chọn cách thứ nhất?

Vì sao chúng tôi chọn cách thứ nhất (đồng thời cũng là lựa chọn kế thừa cách dạy của sách giáo khoa tiếng Việt 1 năm 2000 của Bộ GD-ĐT)?

Âm "P" và "PH" đều được học trong phần âm, ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm "P" riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,….; không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì,… vì 2 lý do:

Học sinh chưa được học âm S (trong Sa Pa) và vần "ÂM" (trong Nậm Pì).

Thông thường, tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Mới chỉ được học 5 - 6 tuần mà học sinh phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,…. là không phù hợp. Chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại vì học sinh lớp 1, mới đến trường mấy tuần, mà phải đọc, viết và hiểu nghĩa của những từ không quen thuộc như vậy.

Tóm lại, tiếng Việt 1, bộ Kết nối, có dạy chữ "P" (chữ pê), âm đầu và âm cuối "P" (pờ) (ghi bằng chữ "P"). Tất cả đều dạy theo cách quen thuộc với giáo viên dạy tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong nhiều năm qua.

Ghi chú thêm: Trong tiếng Việt, trong khi âm cuối "P" được mặc nhiên thừa nhận dựa trên hàng loạt cứ liệu thực tế như các từ đã được nêu trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì nhiều nhà ngữ âm học hàng đầu, “ông tổ” của ngành Ngữ âm học Việt Nam, không coi tiếng Việt có âm đầu "P" (xem Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm học tiếng Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, trang 157 - 158; Hoàng Tuệ và Hoàng Minh (Cao Xuân Hạo), Remarks on the Phonological Structure of Vietnamese, Vietnamese Studies:No 40, p. 76).

Như vậy, nếu có coi tiếng Việt có âm đầu "P" thì đó không phải là việc hiển nhiên và âm đầu "P" không phải có vị trí “bình đẳng” như các âm đầu khác trong tiếng Việt. Âm này xuất hiện trong các từ vay mượn như: pi-a-nô/piano, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô, pê-nê-xi-lin,…, các âm tiết được viết liền hoặc có dấu nối. Ngoài ra, âm đầu "P" có thể xuất hiện ở một số tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì,…). Trong miêu tả ngữ âm học, tất cả các hiện tượng ngữ âm thuộc từ vay mượn mà chưa Việt hóa (pi-a-nô/piano, pê-nê-xi-lin, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô,…), tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì,…), cùng với từ tượng thanh, từ cổ,… đều thuộc hiện tượng ngữ âm “ngoại biên”, không được lấy làm ngữ liệu để miêu tả hệ thống âm vị của một ngôn ngữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.