(TNO) Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) đã có những động thái mạnh trong việc phòng, chống sử dụng chất kích thích (doping) thể hiện qua việc gửi công văn tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra doping trong mùa giải tới.
>> Cảnh cáo, cách chức HLV phó của Huy Hoàng
>> CLB SLNA chưa thể "xử" vụ Huy Hoàng
>> Sốc với clip Huy Hoàng "không bình thường sau khi gây tai nạn
|
Công văn của Tổng cục TDTT gửi VFF (ngày 30.10), yêu cầu phải tiến hành kiểm tra doping bắt buộc đối với các cầu thủ tham gia thi đấu trong suốt mùa giải.
Trên thực tế, những mùa giải trước ban tổ chức giải vẫn kiểm tra ngẫu nhiên, nhưng trước hàng loạt sự cố liên quan đến việc sử dụng chất cấm thời gian qua, gần nhất là nghi vấn "lái xe gây tai nạn trong trạng thái không bình thường" của trung vệ đội trưởng CLB SLNA Huy Hoàng, vấn đề xét nghiệm cần phải thắt chặt và làm thường xuyên hơn nữa. Khi đó mới không còn xảy ra những trường hợp “quá chén” như của Huy Hoàng.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là ở Việt Nam chưa có trung tâm lớn để kiểm tra doping một cách đại trà. Mỗi đội có khoảng 30 cầu thủ, nhân lên 28 CLB sẽ là gần 1.000 cầu thủ. Đây là số lượng rất khó kiểm tra nếu chưa có trung tâm, lại càng không thể gửi ra nước ngoài vì chi phí đắt đỏ, mất thời gian chờ đợi.
Giải pháp được đưa ra chính là VFF sẽ phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để kiểm tra từng mẫu thử. Dù chi phí tốn kém và kiểm tra với số lượng lớn nhưng theo ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF, không loại trừ khả năng VFF sẽ kiểm tra đột xuất. Tất nhiên những ai bị phát hiện doping sẽ bị loại khỏi đội bóng.
Ngoài biện pháp kiểm tra, Tổng cục TDTT cũng đã yêu cầu ban tổ chức giải phải quy định cụ thể và tăng nặng các chế tài xử phạt các hành vi thi đấu bạo lực, thiếu văn hóa, sử dụng doping, chất bị cấm của cầu thủ, HLV, trọng tài...
Phó Chủ tịch VFF kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Phạm Ngọc Viễn, nói: “Yêu cầu của Tổng cục TDTT là hợp lý bởi hiện nay chưa có sự quan tâm đúng mức dành cho vấn đề này. Những mảng tối trong đời sống của cầu thủ Việt Nam vẫn còn tồn tại mà không ai biết rõ mức độ”. Ông Nguyễn Văn Phú, Phó trưởng Ban Y học thể thao của VFF, cho biết: “Bây giờ, các cầu thủ có thể bỏ ra một ít tiền là có ngay giấy khám sức khỏe. Việc kiểm tra doping cũng khác hoàn toàn với việc khám sức khỏe thông thường. Nó đòi hỏi trình độ khoa học rất cao và cũng rất tốn kém. Cần làm bất chợt và liên tục trong suốt mùa giải thì mới có thể có những kết quả đáng tin cậy". |
Sơn Tùng
Bình luận (0)