Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ: 'Tôi không đồng ý tách cục'

Mai Hà
Mai Hà
16/06/2022 13:07 GMT+7

Theo đề án được Bộ GTVT trình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện tại sẽ chia tách thành Cục Đường bộ và Cục Cao tốc.

Trao đổi với báo chí sáng 18.6, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết Bộ GTVT đã có đề án chia tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Cao tốc và Cục Đường bộ.

Tổng cục Đường bộ sẽ tách thành 2 cục

Mai hà

Ông Huyện cho biết, Tổng cục Đường bộ đã hình thành, hoạt động được 12 năm, làm được nhiều việc và hiện đang quản lý rất tốt ngành đường bộ. Tuy nhiên, về mô hình Tổng cục Đường bộ có các cục, chi cục ở khu vực; mô hình này khác với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế có các vệ tinh ở cấp huyện.

"Bây giờ đang là Tổng cục thì lãnh đạo tổng cục họp với lãnh đạo tỉnh người ta còn tiếp để giải quyết những việc bức xúc, việc cần xử lý ngay của đường bộ. Nhưng thành cục thì tỉnh chỉ cho cấp sở làm việc, muốn làm việc với lãnh đạo tỉnh thì cấp lãnh đạo bộ phải đến", ông Huyện nói.

Nếu tách thêm Cục Cao tốc với quy mô 170 người lấy từ Cục Đường bộ sang thì rất lãng phí vì bây giờ quản lý chưa được 200 km đường cao tốc đầu tư công; còn 1.000 km đường cao tốc đầu tưBOT do các nhà đầu tư quản lý, khai thác, quản lý nhà nước chỉ xử lý các tình huống; trong khi có 25.000 km đường bộ khác cần quản lý.

Ông Huyện lý giải theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn có nêu: "Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính".

Trên thực tế, luật Giao thông đường bộ hiện tại và dự luật sửa đổi không quy định tách riêng đường bộ và cao tốc. Cao tốc được quy định như một cấp kỹ thuật nằm trong đường bộ (gồm cao tốc, đường cấp 1,2,3,4).

Việc chia tách Tổng cục Đường bộ thành 2 cục quản lý đường bộ và cao tốc riêng đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, cao tốc cũng là một cấp đường bộ.

"Nếu tách ra thành Cục Đường bộ và Cục Cao tốc thì hai bên thực hiện cùng đầu việc tương đối giống nhau,nhưng sẽ phải đầu tư 2 hệ thống máy móc để kiểm tra rất lãng phí", ông Huyện nói.

Bên cạnh đó, luật Giao thông đường bộ không quy định riêng đường bộ hay cao tốc. Nếu không có luật rất khó xây dựng nghị định dưới luật để quản lý.

Hệ thống quản lý Chính phủ điện tử cũng rất khó chia tách. "Ví dụ về quản lý doanh thu BOT, hiện chúng tôi đang giám sát 68 dự án BOT thường xuyên hàng năm, để giám sát một dự án không đơn giản. Bây giờ hệ thống máy chủ giám sát doanh thu đặt bên Tổng cục Đường bộ, nếu sau này tách thì phần BOT đường bộ do Cục Đường bộ quản lý, các dự án cao tốc và dự án của VEC, Vidifi sẽ do Cục Cao tốc quản lý, nhưng hệ thống máy chủ sẽ rất khó chia tách. Chưa kể chi phí hàng năm chỉ vài trăm tỉ đồng rất khó làm nếu chia đôi", ông Huyện chia sẻ.

Theo ông Huyện, Bộ GTVT đã có đề án xin ý kiến, được Bộ Nội vụ đồng ý. Nhưng xoá mô hình Tổng cục phải đánh giá tác động rõ ràng. Việc tách luật Giao thông đường bộ cho Bộ Công an và GTVT quản lý cũng mất tới 2 năm thảo luận nhưng tới nay cũng chưa tách được.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho biết: "Bản thân tôi không đồng ý. Nhưng tôi ký đề án thì phải ký theo sự thống nhất của 4 lãnh đạo và 6 ủy viên thường vụ, chứ bản thân không nhất trí vì tôi sống với ngành đường bộ cả đời, nếu đẻ ra cái gì đó mà què quặt không điều hành được thì rất nguy hiểm".

"Xoá mô hình Tổng cục thì phải có đánh giá tác động nhưng chưa có chỉ đạo việc này, đùng một phát thì tách, dưới phải nghe trên, tôi phải theo nghị quyết của lãnh đạo", ông Huyện nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.