Tông dải phân cách đường dẫn cao tốc tử vong, ai chịu trách nhiệm?

17/03/2019 06:49 GMT+7

Dải bê tông được Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP.HCM) đặt giữa làn xe máy trên đường dẫn cao tốc, khi một người đang lưu thông vô ý đâm vào, tử vong tại chỗ khiến nhiều bạn đọc bức xúc.

Tối 12.3, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê Cà Mau) chạy xe máy trong làn đường xe máy trên đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành, hướng từ Q.9 về Q.2. Khi xe máy anh Hảo vừa qua cầu vượt Đỗ Xuân Hợp khoảng 500 m (thuộc P.An Phú, Q.2, TP.HCM) thì bất ngờ tông vào dải bê tông dài hơn 1 m đặt giữa làn xe máy. Sự việc khiến anh Hảo tử vong tại chỗ.
Dải bê tông này, sau đó được Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (gọi tắt Khu 2) thuộc Sở GTVT TP.HCM thừa nhận họ lắp đặt từ năm 2017, là chướng ngại vật nhằm ngăn ô tô vào làn đường xe máy. Ngoài ra, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu 2, cho biết trước khi lắp đặt cục bê tông trong làn xe máy đã có họp bàn với các đơn vị liên quan để xin ý kiến.
Sở GTVT đã tháo dải bê tông sau tai nạn
Sở GTVT đã tháo dải bê tông sau tai nạn
Trước câu hỏi việc đặt khối bê tông nói trên có đúng quy định, cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông không, ông Hùng cho biết, từ khi đặt dải bê tông trong làn xe máy, cho đến trước đêm 12.3 đơn vị này chưa ghi nhận sự cố nào liên quan đến vấn đề này.
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều cơ quan chức năng cho biết, việc đặt dải bê tông giữa đường dẫn xe máy là không phù hợp. Chính Cục CSGT (đơn vị tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) cung cấp thêm thông tin, khi chướng ngại vật bê tông trong làn xe máy vừa mới được lắp đặt thì Cục đã có kiến nghị phải tháo bỏ, vì rất nguy hiểm, nhưng Khu 2 vẫn không khắc phục.
Ngoài ra, theo Công an Q.2, việc lắp đặt chướng ngại vật bằng bê tông này là bất hợp lý, sai quy định và rất nguy hiểm cho người đi xe máy.

Cấm đặt chướng ngại vật gây cản trở

Luật sư (LS) Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP.HCM) cho hay, điều 85 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT quy định: Dải phân cách là bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó, được dùng để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều, xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều giao thông. Dải phân cách cố định là dải phân cách có vị trí cố định trên phần đường xe chạy. Dải phân cách di động là các dải phân cách có thể di chuyển theo bề rộng trên mặt đường được tạo bởi các cột (cục) bê tông, nhựa composite bên trong có thể đổ cát hoặc nước cao từ 0,3 - 0,8 m xếp liền nhau hoặc có các ống thép Ø40 - Ø50 xuyên qua tạo thành hệ thống lan can trên mặt đường.
LS Vũ phân tích thêm: Dải phân cách cố định nên sử dụng khi đường có từ 4 làn xe trở lên để phân làn đường đi theo hai hướng riêng biệt. Còn dải phân cách di động chỉ dùng ở những nơi mặt đường chỉ đủ 2 hay 3 làn xe, cần chia tạm thời hai chiều hoặc hai làn xe riêng biệt. “Sở GTVT cho đặt dải phân cách di động trên phần đường chỉ có 1 làn cho xe máy nhằm “cưỡng bức” ô tô không được chạy vào là đặt sai vị trí và sử dụng dải phân cách không đúng chức năng phân chia phần đường tạo nên vật cản trở giao thông, và là một phần nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông”, LS Vũ bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, LS Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay, khoản 2 điều 8 luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường. Vì vậy, theo LS Hùng, khi Sở GTVT đặt dải phân cách không đúng quy định, tạo thành vật cản trở gây sự cố chết người thì cần xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đã lắp đặt dải bê tông này.

Cần khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm

Tương tự, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, để ngăn ô tô vào làn xe máy có rất nhiều cách, chẳng hạn cơ quan chức năng có thể lắp đặt camera kiểm tra, theo dõi và phạt nguội.
“Hành vi đặt dải bê tông tại làn xe máy của Khu 2 là hành vi trái pháp luật, dẫn đến hậu quả gây chết người, phải được khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan. Vụ án cần khởi tố theo điều 261, về tội cản trở giao thông đường bộ. Theo đó, người nào đặt, để chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ, làm chết người thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm”, LS Tuấn phân tích.
Theo LS Tuấn, với tội danh này, chỉ cần xác định người có trách nhiệm đặt vật cản trở với lỗi vô ý là có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm dân sự, LS Tuấn cho rằng, Sở GTVT TP.HCM là cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân theo điều 591 bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm, gồm chi phí điều trị, mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng...
“Ngoài khoản tiền bồi thường theo luật định này, Sở GTVT TP.HCM phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại... Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức tối đa không quá 100 lần mức lương cơ bản do nhà nước quy định”, LS Tuấn cho biết.
Chiều 16.3, Cơ quan CSĐT Công an Q.2 cho biết đang chờ kết luận giám định nguyên nhân tử vong cũng như dấu vết va chạm sau tai nạn, từ đó sẽ điều tra làm rõ vụ việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.