Ông Pascal Lamy đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà VN đạt được sau ba năm gia nhập WTO, nhất là những thành công về tăng trưởng kinh tế, thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và du lịch. Đặc biệt, năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, VN vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương. Theo ông Pascal Lamy, VN hiện là ngôi sao đang lên trong khu vực, đồng thời bày tỏ mong muốn VN tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của WTO.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn ông Pascal Lamy đã nhiệt tình hỗ trợ VN trong quá trình đàm phán gia nhập và tham gia WTO. Ngoài ra, Thủ tướng nêu rõ: Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, VN cùng các nước ASEAN mong muốn sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha (về tự do thương mại) trong năm nay với kết quả cân bằng, thiết thực và tính đến lợi ích của các nước đang và kém phát triển, qua đó đảm bảo mục tiêu vì phát triển.
Ngày 26.1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Chính phủ VN đã có nhiều hoạt động như gặp Phó tổng thư ký LHQ kiêm Tổng giám đốc LHQ tại Geneve Sergei Ordzhonikidze, thăm, làm việc với lãnh đạo Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Di cư quốc tế.
Đánh giá cao vai trò của Phó tổng thư ký LHQ Sergei Ordzhonikidze, với tư cách là Tổng thư ký Hội nghị về giải trừ quân bị, Thủ tướng bày tỏ mong muốn cần sớm đạt được những kết quả cụ thể trên lĩnh vực giải trừ quân bị, đáp ứng nguyện vọng chung của các dân tộc về một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và tập trung nguồn lực cho hợp tác phát triển.
Thăm Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và gặp Tổng giám đốc Juan Somavia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ILO tiếp tục tăng cường hợp tác trong đó có việc hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho VN thực hiện các dự án về thị trường lao động, hỗ trợ sửa đổi Bộ luật Lao động và Phát triển quan hệ lao động, thúc đẩy việc làm bền vững cho người khuyết tật...
Gặp Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) William Lacy Swing, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn quan hệ giữa IOM và VN ngày càng phát triển và tiếp tục nhận được sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật cho việc tăng cường quản lý di cư của VN, nhất là trong các lĩnh vực như: Xây dựng và triển khai một chính sách quản lý di cư bền vững. Nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý di cư, đấu tranh phòng chống nạn buôn bán người. Mở rộng thị trường lao động cũng như nâng cao trình độ, năng lực của người di cư lao động VN đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ
Bình luận (0)