Về thu ngân sách, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra, và chậm được khắc phục. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước xác định số phải nộp tăng thêm 8.151 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo ông Phớc, tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí không phù hợp so với nhu cầu sử dụng, dẫn đến cuối năm 2018, kinh phí tồn không có nhiệm vụ chi còn lớn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước cho hay, việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế không đảm bảo điều kiện quy định; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn một số hạn chế; việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Hầu hết dự án BT giao đất không qua đấu giá
Cụ thể, ông Phớc cho hay, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.013 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỉ đồng.
Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án xây dựng - chuyển giao (BT) tại các địa phương cho thấy, còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này.
Cụ thể, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, nhiều dự án cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập.
Sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn nhiều tồn tại
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho hay, công tác sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn tồn tại như: việc đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi; đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện; nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân; điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội; hầu hết các bộ, ngành địa phương chậm hoặc không báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA...
Đặc biệt, qua kiểm toán đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tập đoàn, tổng công ty đối với dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm) và nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước còn cho thấy nhiều sai phạm. ”Kiểm toán nhà nước đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật”, ông Phớc cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, Bộ Tài chính tổng hợp đưa vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương 5.370 tỉ đồng.
Thu vượt trần học phí, viện phí khá phổ biến
Chi chuyển nguồn năm 2018 là 434.356 tỉ đồng, tăng 107.976 tỉ đồng so với năm 2017 (326.380 tỉ đồng), chiếm 23,2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cao so với các năm gần đây (năm 2017: 19,4%; năm 2016: 19,2%; năm 2015: 15,7%) giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt trong điều kiện ngân sách nhà nước năm 2018 phải đi vay để bù đắp bội chi 153.949 tỉ đồng.
Tình trạng chuyển nguồn qua nhiều năm (158 tỉ đồng); chuyển nguồn sai quy định (2.215 tỉ đồng) hoặc chuyển nguồn kinh phí hết nhiệm vụ chi (712 tỉ đồng) vẫn diễn ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán.
Ngoài ra, theo ông Phớc, qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2016 - 2018 còn vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện; hầu hết các Bệnh viện chưa được quyền chủ động trong công tác tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức.
Bên cạnh đó, tình trạng thu vượt trần học phí, thu vượt, thu sai viện phí và thu các khoản chưa có trong quy định diễn ra khá phổ biến.
Bình luận (0)