Tổng Kiểm toán tranh luận với Bộ trưởng Tài chính về việc KTNN bị 'đẩy' ra ngoài

Vũ Hân
Vũ Hân
15/11/2018 19:02 GMT+7

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho rằng, luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã "đẩy" KTNN ra, trong khi theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cơ quan thuế nhiều trường hợp bị kiện vì kết luận của kiểm toán.

Luật thuế "đẩy" KTNN ra ngoài?
Thảo luận về luật Quản lý thuế (sửa đổi) chiều nay, 15.11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật, đã có tranh luận với Tổng KTNN Hồ Đức Phớc liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán.
Trước khi cuộc tranh luận nổ ra, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến về quy định tại điều 21 - “Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN”, có khoản quy định: “Nếu kiến nghị của cơ quan KTNN khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”.
Sau thanh tra, nếu “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời, cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”.
Với điều khoản trên, nghĩa là sau khi KTNN đã ra kết luận, cơ quan thuế sẽ vào thanh tra lại, và nếu kết quả khác, thì sẽ thực hiện theo kết luận của thanh tra thuế, gián tiếp phủ nhận kiến nghị của KTNN.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, quy định như vậy là cơ quan soạn thảo muốn "đẩy" KTNN ra ngoài.
Điều khoản này cũng khiến đa số các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường phản đối. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, trong bối cảnh thuế khoán còn chưa siết chặt để chống thất thu, tồn tại hạn chế trong quản lý thuế còn chưa được khắc phục, vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI còn kéo dài và ngày càng trầm trọng... cho thấy bất cập của các cơ quan chức trách liên quan đến thuế khi thực hiện nhiệm vụ, thì việc thu hẹp quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan KTNN như vậy là rất khó hiểu.
Quy định này, theo đại biểu Nhân, “là chưa thận trọng, chưa toàn diện” cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn.
“Việc cơ quan thuế mới thanh tra được 18% các doanh nghiệp nộp thuế, đồng nghĩa với 82% còn lại vẫn khoảng trắng, chưa được kiểm tra, phát hiện. Điều cần phải làm lẽ ra là rà soát, bổ sung các cách thức để siết chặt các lỗ hổng, thay vì hạn chế, thu hẹp các chủ thể có chức năng thanh tra, kiểm toán”, đại biểu Nhân bày tỏ quan điểm, và đặt câu hỏi: “Việc xây dựng dự thảo như trên của Bộ Tài chính là cố tình tự mang trên mình một gánh nặng hay có lý do khác?”.
Các đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Võ Đình Tín (Đắk Nông), Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) và một số đại biểu khác cũng cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp với Hiến pháp và một số luật khác, vì KTNN là một thiết chế độc lập được hiến định, chỉ hoạt động theo pháp luật; kết luận kiểm toán có tính chất bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không thể phủ nhận kết quả này.
Kiểm toán kết luận, cơ quan thuế bị kiện?
Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu lý do quy định điều khoản này là bởi KTNN ra kết luận về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, nhưng cơ quan thuế lại là nơi ra thông báo cho doanh nghiệp. Nhiều trường hợp người nộp thuế thấy chưa thoả đáng nên kiện lên cơ quan thuế, nếu không chấp hành thì đưa ra toà, và cơ quan thuế lại là đối tượng bị kiện.
“Chúng tôi đề nghị ở đây, ai kết luận thì người đó phải giải trình trước toà”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói và cho biết “sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu, làm sao đảm bảo đúng quy định hiến pháp, pháp luật, nhất là luật thanh tra, kiểm toán… tạo thuận lợi cho thanh tra, kiểm toán thực hiện theo quy định pháp luật, tránh chồng chéo”.
Tranh luận với Bộ trưởng Tài chính sau phát biểu này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, trong 3 năm ông làm Tổng Kiểm toán, chưa có trường hợp nào từ kết luận của kiểm toán liên lụy đến cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, Tổng KTNN cho rằng, việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là rất lớn. Ví dụ, đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu về rủi ro thì chính việc chọn đối tượng rủi ro không chính xác (hàng năm cơ quan thuế thanh kiểm tra khoảng 18% các doanh nghiệp nộp thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro) nên nhiều doanh nghiệp sau khi nằm trong dạng rủi ro không thu được thêm thuế.
Tổng KTNN cũng cho biết, riêng kiểm toán hoàn thuế VAT năm 2017 đã phát hiện chênh lệch hơn 1.496 tỉ đồng, hay kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại Khu chế xuất ở TP.HCM, ngoài những khoản thực hiện chính sách thu hút đầu tư, thì KTNN vẫn kiến nghị truy thu 1.749,5 tỉ đồng.
“Cuộc kiểm toán ở TP.HCM đã truy thu được 2.959 tỉ trong đợt này”, ông Hồ Đức Phớc nói. Ông Phớc cũng cung cấp thêm việc sau khi KTNN kiến nghị với cơ quan thuế quận 1, TP.HCM thì cơ quan này đã lập tức thu được 283,3 tỉ đồng.
“Chúng tôi muốn nói, KTNN nỗ lực hết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán về thuế, hoạt động của cơ quan thuế; không chỉ chi tiêu công, tài sản công, mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Còn đụng vào doanh nghiệp nào thì cũng có phản ứng. Như Unilever vừa rồi có kiện lên Thủ tướng, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (về kết luận của kiểm toán), giao trở lại, chúng tôi kiểm tra, xác định được 584 tỉ đồng, họ đã chấp nhận đề nghị được nộp mà không chịu phạt”, ông Hồ Đức Phớc đơn cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.