(TNO) Đất nước của Molière, Victor Hugo, René Descartes vẫn tiếp tục thực hiện những chiến lược bền vững nhằm làm lan tỏa “tinh thần Pháp” ra khắp thế giới.
|
|
|
|
Mùa Pháp tại VN kết thúc bằng chương trình biểu diễn chiếu sáng nghệ thuật đặc sắc tại dinh Thống Nhất - Ảnh: Lan Chi
|
Năm 2013, Việt Nam kỷ niệm thiết lập 40 năm quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia và Pháp là một trong những nước tổ chức nhiều sự kiện nhất nhân dịp này. Mùa Pháp tại Việt Nam chính thức khai mạc tại Hà Nội vào ngày 9.4.2013, kéo dài đến hết năm 2013 và tiếp sau đó là mùa Việt Nam tại Pháp, từ tháng 1 - 9.2014. Trong mùa Pháp tại Việt Nam, khoảng 60 chương trình lớn và hàng trăm chương trình nhỏ đã được tổ chức ở nhiều tỉnh thành. Mùa Việt Nam ở Pháp cũng sôi động không kém với hơn 70 chương trình lớn. Đây là dịp để công chúng hai nước có cái nhìn toàn diện hơn về quan hệ lâu năm giữa Pháp và Việt Nam. Người dân TP.HCM có dịp đi qua khu trung tâm thành phố vào 2 đêm 13 và 14.12.2013 chắc chắn không thể nào quên được hình ảnh dinh Thống Nhất bừng sáng qua màn trình diễn chiếu sáng nghệ thuật 3D - món quà của người Pháp để khép lại mùa Pháp tại Việt Nam. Có mặt tại cả 2 đêm biểu diễn đó, người viết đã không khỏi xúc động khi thấy các nghệ sĩ - kỹ sư hình ảnh xứ Gaulois qua công nghệ ánh xạ 3D của Pháp đã thể hiện một cách sống động và đầy trân trọng lịch sử, văn hóa Việt Nam: từ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên đến hoa sen, vịnh Hạ Long, người lái đò, cánh đồng lúa, lồng đèn cổ truyền…
Chuỗi sự kiện nói trên còn được gọi là “năm chéo” và được Pháp tổ chức từ nhiều thập niên qua nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao với một quốc gia. Điểm chú ý là tính song phương của những sự kiện này: không chỉ quảng bá hình ảnh của mình, Pháp còn mở rộng cửa để nước bạn có thể trực tiếp giới thiệu với công chúng Pháp. Một sự giao thoa văn hóa và nhờ đó, người dân Pháp có cơ hội để hiểu biết sâu rộng về văn hóa nhiều nước.
Đây có phải là “quyền lực mềm” của Pháp? Bên lề buổi họp báo của chương trình “Goût de France”, PV Thanh Niên Online đã trao đổi với Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuel Ly-Batallan để tìm giải đáp.
Ông có thể định nghĩa quyền lực mềm kiểu Pháp?
Khó có thể định nghĩa vì chúng tôi không dùng khái niệm này tại Pháp mà thay vào đó là “lan tỏa” hoặc ở một số trường hợp là “tạo ảnh hưởng”, “thu hút”. Sự khác biệt về ngữ nghĩa này hoàn toàn không phải vô thưởng vô phạt: Pháp không hề muốn áp đặt một quyền lực hay hình mẫu nào. Thay vào đó, chúng tôi muốn giới thiệu một giá trị, một cơ hội hợp tác và trao đổi. Đây cũng là tinh thần của cộng đồng Pháp ngữ: ngoài việc cùng chia sẻ về mặt ngôn ngữ, 57 thành viên (trong đó có Việt Nam, NV) còn có điều kiện để tìm tiếng nói chung giữa những hệ thống chính trị, kinh tế vốn nhiều khác biệt của mỗi nước.
Hệ thống Viện Pháp (Institut Français) có phải là mũi nhọn để quảng bá hình ảnh nước Pháp tại các quốc gia khác?
Hệ thống gồm 150 Viện Pháp trên thế giới thật sự là tâm điểm trong ngoại giao văn hóa của Pháp. Tuy nhiên, cần phải tính thêm những đại diện quan trọng khác của chúng tôi ở các nước: hơn 900 Liên minh Pháp; khoảng 400 trường học Pháp; 27 Viện Nghiên cứu Pháp ở nước ngoài, mà đại diện tại Đông Nam Á là IRASEC ở Bangkok, Thái Lan; 182 cơ quan giáo dục Campus France nhằm hỗ trợ, tư vấn miễn phí cho mọi học sinh, sinh viên muốn du học tại Pháp; 169 phái đoàn khảo cổ... Và đương nhiên, không thể bỏ qua vai trò của 161 ban văn hóa trực thuộc Đại sứ quán Pháp ở các nước.
Tại Việt Nam, từ năm 1898, Pháp đã thành lập trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) ở Sài Gòn, sau đó chuyển trụ sở chính ra Hà Nội vào năm 1900. Hồi tháng 12.2014, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã tổ chức một hội thảo nhằm vinh danh những đóng góp của EFEO đối với việc bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam. Viện Pháp tại Việt Nam (IFV) có văn phòng chính tại Hà Nội cùng các chi nhánh ở Huế, Đà Nẵng và TP.HCM.
Trong những năm qua, IFV đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa (âm nhạc, điện ảnh, văn chương…), giáo dục (đặc biệt là giảng dạy tiếng Pháp). Phần lớn những chương trình biểu diễn do các nghệ sĩ tên tuổi của Pháp đảm nhận nhưng chúng tôi cũng mời nhiều nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ Pháp ngữ của nhiều nước khác.
Giáo dục và nghiên cứu khoa học có phải là ưu tiên trong hợp tác giữa Pháp với các quốc gia khác? Pháp làm thế nào để “kháng cự” lại sự ảnh hưởng về giáo dục đại học và sau đại học của các nước nói tiếng Anh, đặc biệt là Mỹ?
Chúng tôi không “kháng cự” lại bất kỳ một nền văn hóa nào mà tập trung bảo vệ sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Chúng tôi tự tìm cách thích nghi với hoàn cảnh không ngừng biến đổi hiện nay. Hệ thống giáo dục bậc cao của Pháp được thế giới biết đến vì chất lượng cao mà chi phí thấp. Chính phủ Pháp đã chi trả phần lớn (khoảng 90%, NV) để sinh viên có thể có mức học phí đại học cực thấp. Đây chính là triết lý của chúng tôi: tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả. Hiện Pháp là sự lựa chọn thứ 3 của các du học sinh Việt Nam, với gần 6.500 sinh viên, chỉ sau Mỹ và Úc.
Tổng lãnh sự Pháp Emmanuel Ly-Batallan (thứ 2, hàng đầu) và các đầu bếp tại TP.HCM tham gia chương trình “Goût de France” - Ảnh: Ban tổ chức Goût de France cung cấp
|
Hợp tác về giáo dục và khoa học giữa Việt Nam và Pháp đã có từ lâu và rất phong phú. Pháp, như truyền thống, luôn muốn ưu tiên những hoạt động dài hạn nên đã góp phần thành lập Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM... Pháp cũng phối hợp cùng nhiều đại học Việt Nam để mở những chương trình đào tạo chất lượng cao: chương trình kỹ sư tài năng; Trung tâm Đào tạo Pháp - Việt về quản lý (CFVG) là sự hợp tác giữa các trường thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Paris - Île de France với Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Một ví dụ khác là Trung tâm Đại học Pháp (PUF) do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM quản lý. Tại Việt Nam hiện có khoảng 27 phòng nghiên cứu của Pháp đang hoạt động. Gần đây nhất, năm 2009, chính phủ Việt Nam và Pháp đã cùng thành lập Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trường này hợp tác với mạng lưới gồm 43 đại học của Pháp. Điểm chung của những trường, chương trình vừa kể là do Pháp mở hoặc hợp tác nhưng do đối tác Việt Nam quản lý phần lớn, thậm chí toàn bộ. Về bằng cấp thì ở những trung tâm và trường có hợp tác với các trường của Pháp, khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn được cấp bằng của Pháp.
Pháp có những chiến lược gì trong thời gian sắp tới để “lan tỏa” hình ảnh ra thế giới? Những giải pháp hiện đại như mạng xã hội có là một trong những chiến lược đó không?
Pháp nhận được nhiều thiện cảm từ người dân các nước, đây chính là nền tảng quan trọng để chúng tôi tiếp tục xây dựng nền “ngoại giao toàn cầu” - như cách gọi của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Chẳng hạn, từ nhiều năm qua, Pháp vẫn là điểm du lịch được lựa chọn nhiều nhất thế giới, với 85 triệu lượt du khách vào năm 2013. Từ lợi thế này, chúng tôi đang nỗ lực để du khách biết được nhiều điểm du lịch của Pháp ngoài những địa điểm đã nổi tiếng như tháp Eiffel, lâu đài Versailles, các lâu đài ở Loire… Pháp có 39 di tích, thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tương tự, ẩm thực Pháp cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 19.3 tới, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình “Goût de France” (“Hương vị Pháp”) với sự tham gia của 1.500 đầu bếp trên khắp thế giới. Đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng trong năm 2015 để giới thiệu nước Pháp với bạn bè quốc tế.
Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuel Ly-Batallan - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Pháp cung cấp
|
Mạng xã hội đương nhiên được xem là một trong những chiến lược truyền thông của chúng tôi. Nhiều cơ quan của Pháp như Viện Pháp tại Việt Nam đã có website và mục riêng trên Facebook. Chúng tôi cũng đang xây dựng website www.phap.fr, chuyên giới thiệu về hình ảnh của nước Pháp ở những góc cạnh gần gũi, bình dị. Ngoài ra, một dự án đang được thực hiện là thiết lập mạng lưới những cựu du học sinh Việt Nam từng học tập tại Pháp, là một nhánh của mạng lưới chung của những cựu du học sinh tại Pháp toàn cầu (www.francealumni.fr). Mạng lưới này sẽ là cầu nối để các cựu du học sinh tiếp tục được cập nhận thông tin về nước Pháp, đồng thời có thể xây dựng nhiều mối quan hệ, đặc biệt là về nghề nghiệp với nhau.
Các nhà hàng tại VN tham dự “Goût de France”
- Nhà hàng tại Hà Nội: French Grill (khách sạn JW Marriott); La Badiane; Press Club; Café Du Lac (khách sạn InterContinental Westlake); Millénium - Café des Arts; Café Lautrec, Hôtel de l’Opéra; Green Tangerine; Le Beaulieu (khách sạn Sofitel Métropole); La Cheminée (khách sạn Pullman).
- Nhà hàng tại Huế: Le Parfum (khách sạn La Résidence Hue Hotel & Spa).
- Nhà hàng tại Đà Nẵng: Azure Beach Lounge (khách sạn Pullman Beach Resort).
- Nhà hàng tại Hội An: Annam (khách sạn Victoria Hội An).
- Nhà hàng tại TP.HCM: L’Olivier (khách sạn Sofitel Plaza Saigon); Augustin; Le Bordeaux; Song Vie, Villa Song; Annamite.
Bạn đọc muốn thưởng thức món Pháp theo chương trình Goût de France có thể tham khảo thông tin chi tiết về các nhà hàng kể trên trên website của Đại sứ quán Pháp tại VN (http://www.ambafrance-vn.org/Gouts-de-France-tai-Viet-Nam-da).
|
Theo số liệu mới nhất của UNESCO, Pháp xếp thứ 3 thế giới về đón tiếp sinh viên người nước ngoài (271.399 sinh viên), chỉ đứng sau Mỹ và Anh. Tính đến năm học 2013-2014, Việt Nam có số du học sinh tại Pháp xếp thứ 2 châu Á (gần 6.500 sinh viên), chỉ sau Trung Quốc.
|
Bình luận (0)