Ai chịu trách nhiệm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân?
Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ sáng 9.11, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực nào?
"Ai phải chịu trách nhiệm về việc xảy ra tình trạng này và Tổng thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gì, có biện pháp ngăn chặn tình trạng nêu trên?", đại biểu Hà chất vấn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chất vấn: "Cử tri rất vui mừng khi nghe Chính phủ báo cáo tình hình tham nhũng ở nước ta thời gian qua đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Xin Tổng Thanh tra cho biết căn cứ vào đâu để có được kết luận như đã nêu trên?".
Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, tình trạng cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân là vấn đề Đảng, nhân dân rất quan tâm và ngành Thanh tra cũng hết sức quan tâm.
Về vấn đề "trách nhiệm thuộc về ai" mà đại biểu Hà chất vấn, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, đó là người đứng đầu cơ quan, lĩnh vực để xảy ra nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân. Còn lĩnh vực nào thì trong Chỉ thị 10 của Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc cũng đã nêu rất rõ lĩnh vực, nguyên nhân.
“Có thể nói, những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, những lĩnh vực cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì dễ xảy ra tham nhũng, như khu vực dịch vụ công. Những nội dung chi tiết thì trong Chỉ thị 10, Thủ tướng nêu rất đầy đủ, nên tôi xin phép không nhắc lại”, ông Khái nói.
Theo ông Khái, trước tình trạng như vậy, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng để bàn hành Chỉ thị để chống nhũng nhiễu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc vào tháng 4.2019.
Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai. Thanh tra Chính phủ cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ có Công điện 724 năm 2019 để tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
“2 văn bản này có ý nghĩa rất lớn trong vấn đề chấn chỉnh tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức thực hiện công vụ”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh và cho hay, tháng 10 vừa rồi, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 10, trong đó có đánh giá trình trạng, giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
"Đánh giá tình hình tham nhũng rất khó"
Về căn cứ đánh giá tình trạng tham nhũng "đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm", Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc đánh giá tình hình tham nhũng “hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng”. Tuy nhiên, với tư cách cơ quan tham mưu, Thanh tra Chính phủ cố gắng bám sát vào những nội dung để làm căn cứ đánh giá.
Căn cứ đầu tiên, theo ông Khái, là ý kiến của người dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thì người dân cảm nhận tình hình tham nhũng của đất nước.
Thứ 2 là Bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Theo đó, đánh giá của Thanh tra Chính phủ là hiệu quả phòng, chống tham nhũng có tăng lên.
Thứ 3, căn cứ quốc tế đánh giá thông qua chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức minh bạch thế giới thì năm 2019, Việt Nam tăng 21 bậc so với năm 2018, từ nước đứng thứ 117 lên 96/180 nước.
Cuối cùng là căn cứ vào những đánh giá, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Hàng năm, trong báo cáo cuối năm, Ban Chỉ đạo có cân nhắc rất kỹ và đánh giá tình hình tham nhũng.
“Đánh giá tình hình tham nhũng rất khó, trên cơ sở tình hình phòng, chống tham nhũng trên tất cả các mặt về công tác quản lý nhà nước, công tác phòng ngừa, xử lý, tuyên truyền đạt được kết quả như thế thì có tác động rất lớn đến tình hình hình tham nhũng”, Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định.
Bình luận (0)