Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 14.9, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2020, hầu hết các nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng vẫn cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch, có nhiệm vụ vượt yêu cầu.
"Cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, có thể khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng không những không "chững lại" hay "chùng xuống", mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", ông Khái nhấn mạnh.
3 trường hợp nộp lại quà tặng
Cụ thể, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho hay, về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm các chuẩn mực xử sự phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp.
Việc thực hiện quà tặng, nộp lại quà tặng được Chính phủ, Thủ tướng quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. "Năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng (cùng kỳ năm trước không có trường hợp nộp lại) trị giá 31,8 triệu đồng", ông Khái thông tin.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 34% so với năm 2019).
Về kiểm soát tài sản thu nhập, ông Khái cho biết, theo luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, việc kê khai tài sản lần đầu phải hoàn thành trước 31.12.2019, nhưng do nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa được ban hành, nên việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 chưa thực hiện được.
Tuy vậy, ông khái cho hay, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, ông Khái cho biết, các cấp, các ngành đều chú trọng triển khai thực hiện quy định của luật Phòng chống tham nhũng về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần phải đình chỉ.
Theo ông Khái, nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như trường hợp của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến…
Bên cạnh đó, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019). Trong đó, có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Có biểu hiện móc ngoặc giữa quan chức và doanh nghiệp
Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, bên cạnh những mặt đạt được, công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.
Cụ thể, bà Nga nhấn mạnh việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế. Cải cách, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính để phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiến độ đề ra. Cải cách thủ tục hành chính trong một số trường hợp vẫn chậm, nhiều thủ tục hành chính còn chưa thực sự hợp lý...
Cũng theo bà Nga, việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhưng trên một số lĩnh vực, hiệu quả công tác này còn chưa thực sự chuyển biến.
|
"Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra", bà Nga cho hay.
Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy, việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn… gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.
Cũng theo bà Nga, việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với năm 2019 nhưng theo phản ánh của dư luận thì còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành còn hạn chế; dư luận, cử tri cho rằng còn có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác thanh tra chuyên ngành.
Sớm quy định về kiểm soát tài sản thu nhập
Về tình hình phát hiện, xử lý tham nhũng, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Ngoài ra, bà Nga lưu ý, vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
"Đây là những vấn đề cần được Chính phủ, Viện KSND tối cao, TAND tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục", bà Nga nhấn mạnh.
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác này trên thực tế.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó đặc biệt chú trọng tăng chường công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; kết hợp đồng bộ công tác phòng chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh việc lợi dụng lãng phí để tham nhũng...
Bà Nga cũng đề nghị Chính phủ phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng… để tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Bình luận (0)