Tổng thầu Trung Quốc tự ý in thẻ cho... người nhà

13/08/2018 07:37 GMT+7

Hình ảnh thẻ lên tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) cùng một số biển thông tin tại nhà ga in song ngữ Việt - Trung đang được lan truyền nhanh chóng, gây hoang mang dư luận.

In thẻ riêng cho... người nhà
Ngày 11.8, Thanh Niên nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc liên quan đến những hình ảnh về thẻ lên tàu tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (metro) Cát Linh - Hà Đông có hiện tượng lạ. Cụ thể, thẻ được in màu xanh có nội dung: "Dự án đường sắt đô thị hạng mục vận hành thử", "Thẻ lên tàu", "Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông", “Thẻ lên tàu chỉ có giá trị sử dụng trong ngày 11/08/2018" kèm theo bản dịch tiếng Trung Quốc.
Liên hệ với ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng phòng Điều hành Dự án, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT), ông cho biết đoàn tàu ở dự án metro đầu tiên đang chạy thử nghiệm từ ga Cát Linh (quận Đống Đa) đi Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Trong quá trình thử nghiệm, chỉ có những người làm nhiệm vụ mới được lên tàu kiểm tra, vận hành, người dân không được phép lên. Trước khi có thông tin phản ánh trên báo chí, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã nắm được sự việc và có văn bản yêu cầu Tổng thầu EPC Trung Quốc báo cáo Ban về sự việc trên, đồng thời chấm dứt ngay việc đưa người không có chức năng, nhiệm vụ lên tàu.
Nhà thầu Trung Quốc tự ý in thẻ song ngữ Việt - Trung cho người nhà Ảnh từ mạng xã hội
Theo báo cáo của EPC, sáng 11.8, Tổng thầu tổ chức hoạt động công đoàn tại trụ sở để phát động thi đua, động viên cán bộ, công nhân viên nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm và mục tiêu của dự án. Để động viên tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, EPC đã tự ý mời lực lượng nhân sự này cùng người thân tham gia chạy tàu thử nghiệm, vì thế đã tự ý dùng thẻ lên tàu in song ngữ Việt - Trung nhằm phục vụ công tác kiểm soát.
Trước đó, nhiều người dân cũng phản ánh một số khu vực tại các ga cũng có để biển báo in song ngữ Việt - Trung. Đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay do tổng thầu cắt chữ dán lên cho dễ quan sát trong lúc vận hành thử. Đến nay, hầu hết các biển thông tin trên đã bị gỡ bỏ.
Vị này khẳng định các biển thông tin trên là biển tạm thời, do EPC tự ý gắn lên để giúp người của đơn vị thi công dễ nhận biết trong quá trình thi công, thử nghiệm. Ban đã yêu cầu tổng thầu gỡ bỏ và quán triệt không được tái diễn việc tự ý gắn biển thông tin sử dụng song ngữ tại dự án.
“Để tránh không xảy ra các sự việc tương tự, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình Tổng thầu và có văn bản yêu cầu Tổng thầu tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch được phê duyệt. Các công việc triển khai không theo kế hoạch, Tổng thầu phải báo cáo và được Ban chấp thuận trước khi thực hiện. Việc sử dụng, phát hành tài liệu, thông tin liên quan đến dự án phải thực hiện theo đúng điều kiện hợp đồng. Tại cuộc họp, Tổng thầu đã nhận trách nhiệm về sự việc nêu trên và cam kết không tái diễn” - ông Phương thông tin.
Lỗi do quản lý
GS-TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường đại học GTVT Hà Nội cho rằng nếu đúng là thẻ lên tàu hay các biển báo chỉ có trong thời gian thử nghiệm vận hàng thì có thể để song ngữ. Theo ông, công trình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện thi công, thẻ lên tàu chỉ dành riêng cho một số người có nhiệm vụ, trong khi không phải chuyên gia Trung Quốc nào cũng biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Vì thế tất cả những phương tiện phục vụ công tác chuyên môn trong quá trình thi công đều có thể được phép sử dụng song ngữ. Tuy nhiên ông lưu ý việc tuyến metro đầu tiên này chậm tiến độ, đội vốn, mất an toàn trong thi công đã gây tâm lý chưa thuyến phục đối với người dân. Vì thế không nên lợi dụng, tạo hiệu ứng tâm lý không tốt trong xã hội, nên thay thế bằng các biển báo tiếng Việt, thẻ, vé tiếng Việt ngay khi quá trình thi công hoàn tất. Đồng thời, đơn vị quản lý cần theo dõi sát sao, chặt chẽ hơn quá trình làm việc của nhà thầu, tránh để tình trạng người dân phản ánh mới phát hiện và có thông tin, biện pháp xử lý.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn đánh giá việc nhà thầu nhiều lần tự ý có những động thái “qua mặt” cơ quan quản lý là do quản lý nhà nước quá yếu kém. Dù là liên doanh với bất kể quốc gia nào thì đây cũng là sản phẩm của Việt Nam, công trình được thực hiện trên đất nước Việt Nam. Bất kể một động thái nhỏ nào, từ việc thiết kế thẻ, phát hành thẻ, vé, ngay cả trong thời gian thử nghiệm cũng phải thông qua Bộ GTVT. Đằng này Tổng thầu Trung Quốc tự do in ấn, phát hành thẻ, đưa người nhà lên tàu, để biển song ngữ Việt - Trung mà Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT không biết gì, đến khi người dân, báo chí phản ánh mới phát hiện và xử lý là không thể chấp nhận được. “Điều đó chứng tỏ cơ quan quản lý không có tầm nhìn đủ rộng, bao quát để kiểm soát chặt chẽ từ những cái nhỏ nhặt nhất” - ông nhận định.
Cũng theo ông Thủy, đây không phải vấn đề quá lớn liên quan về mặt an toàn kỹ thuật nhưng lại gây tác động không nhỏ về mặt tâm lý xã hội. Tuyến Cát Linh - Hà Đông là tuyến metro đầu tiên Việt Nam liên kết xây dựng với nhà thầu Trung Quốc nhưng người dân Hà Nội nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung đã có ấn tượng không tốt. Từ việc chậm tiến độ, kéo dài thời gian thêm 3 - 5 năm, rồi giá vé tăng 30%, dùng dình khó khăn về tài chính, vật tư… tất cả khiến người dân mất thiện cảm. Nay xảy ra những sự việc như thế này càng gây thêm phản cảm, tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.