"Thương vụ mua lại này sẽ đặt một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Mỹ dưới sự kiểm soát của nước ngoài và tạo ra rủi ro cho an ninh quốc gia và chuỗi cung ứng quan trọng của chúng ta. Đó là lý do tôi đang hành động để chặn thương vụ này", Tổng thống Biden nhấn mạnh trong một tuyên bố, theo AFP.
Ông Biden đưa ra quyết định trên sau cuộc tranh cãi kéo dài về các yêu cầu chính trị, kinh tế cũng như thương mại trong nước.
Ông Biden xem việc xây dựng lại cơ sở sản xuất của Mỹ là mục tiêu chính của chính quyền ông, đã chỉ trích thương vụ bán US Steel cho Nippon Steel trong nhiều tháng. Đồng thời, ông cũng trì hoãn đưa ra quyết định có thể gây tổn hại đến mối quan hệ với Tokyo, theo AFP. Ông Biden sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20.1.
Có một sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi về vấn đề này, với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa, và Phó tổng thống sắp nhậm chức J.D. Vance, vận động phản đối thương vụ bán US Steel cho Nippon Steel.
Trong khi đó, Nippon Steel xem thương vụ mua lại này là phao cứu sinh cho công ty Mỹ đã qua thời hoàng kim từ lâu như US Steel. Những người phản đối cảnh báo rằng chủ sở hữu người Nhật sẽ cắt giảm việc làm.
Nippon Steel đã cố gắng xoa dịu sự lo lắng bằng cách cam kết tạm dừng mọi đợt sa thải hoặc đóng cửa các cơ sở có công đoàn thông qua hợp đồng công đoàn hiện tại, dự kiến hết hạn vào tháng 9.2026, theo AFP.
Trung Quốc áp hạn chế xuất khẩu lên nhiều hãng quốc phòng Mỹ như Boeing, Lockheed Martin
Quyết định về thương vụ US Steel-Nippon Steel đã được chuyển cho Tổng thống Biden sau khi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) vào cuối tháng trước không đạt được sự đồng thuận về việc liệu việc Nippon Steel mua lại US Steel có đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ hay không.
Nippon Steel và US Steel đã tuyên bố sẽ theo đuổi hành động pháp lý chống lại chính phủ, tuyên bố rằng chính phủ đã không tuân thủ đúng các thủ tục trong quá trình xem xét việc mua lại, theo AFP.
Bình luận (0)