Tổng thống Bồ Đào Nha kêu gọi xin lỗi vì quá khứ mua bán nô lệ

26/04/2023 11:16 GMT+7

Động thái của Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo của nước Nam Âu này đưa ra đề nghị về lời xin lỗi ở cấp quốc gia vì quá khứ mua bán nô lệ.

Tổng thống Bồ Đào Nha kêu gọi xin lỗi vì quá khứ mua bán nô lệ - Ảnh 1.

Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa (phải) đi bên cạnh Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại quốc hội Bồ Đào Nha ngày 25.4

REUTERS

Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa ngày 25.4 nói nước này nên xin lỗi và chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong chuyện buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương diễn ra suốt nhiều thế kỷ trong quá khứ, theo Reuters.

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, khoảng 6 triệu người châu Phi đã bị các tàu Bồ Đào Nha bắt cóc, vận chuyển qua Đại Tây Dương và bán làm nô lệ, chủ yếu đến Brazil. Song cho đến nay, Bồ Đào Nha hiếm khi bình luận về quá khứ của mình và các trường học ở nước này hầu như không dạy về vai trò của Bồ Đào Nha trong chế độ nô lệ.

Thay vào đó, việc Bồ Đào Nha mở rộng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm thuộc địa - giai đoạn chứng kiến các quốc gia bao gồm Angola, Mozambique, Brazil, Đông Timor cũng như một phần của Ấn Độ nằm dưới sự cai trị của Lisbon - thường được hầu hết người Bồ Đào Nha coi là niềm tự hào.

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm "Cách mạng Hoa cẩm chướng" năm 1974 - sự kiện đã lật đổ chế độ độc tài tại Bồ Đào Nha - Tổng thống Rebelo de Sousa cho rằng Lisbon cần làm nhiều hơn ngoài việc đưa ra lời xin lỗi, mặc dù ông không nói cụ thể.

"Xin lỗi đôi khi là điều dễ làm nhất: bạn xin lỗi, quay lưng đi và công việc đã xong", ông nói, đồng thời cho rằng Bồ Đào Nha nên "chịu trách nhiệm" về quá khứ của mình để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Paula Cardoso, người sáng lập nền tảng trực tuyến Afrolink dành cho các chuyên gia người da màu ở Bồ Đào Nha, cho biết phát biểu của ông Rebelo de Sousa mang tính "tượng trưng" nhưng quan trọng vì chúng đưa vấn đề ra để thảo luận.

“(Nhưng) tôi muốn nghe điều gì đó cụ thể hơn từ tổng thống... Để có một số tác động, những suy nghĩ này... phải đi kèm với các biện pháp và cam kết", ông Cardoso nói với Reuters.

Ông Cardoso cho rằng các khoản bồi thường và chính sách công để chống lại sự bất bình đẳng hình thành từ quá khứ của Bồ Đào Nha là rất cần thiết.

Ông Rebelo de Sousa nói như vậy sau khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người đang ở Bồ Đào Nha trong chuyến thăm châu Âu đầu tiên kể từ khi nhậm chức, có bài phát biểu trước quốc hội Bồ Đào Nha. Brazil giành được độc lập từ Bồ Đào Nha vào năm 1822.

Tổng thống Bồ Đào Nha cho rằng quá trình thực dân hóa Brazil cũng có những yếu tố tích cực, chẳng hạn như việc truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Bồ Đào Nha. "Nhưng về mặt tiêu cực, (đó là) tình trạng bóc lột người bản địa... chế độ nô lệ, việc hy sinh lợi ích của Brazil và người dân Brazil", ông Rebelo de Sousanói.

Bộ trưởng Nhân quyền Brazil, ông Silvio Almeida, cho rằng ông Rebelo de Sousa đã thực hiện một bước "cực kỳ quan trọng". "Ở Brazil, chúng tôi tiếp tục chịu đựng những ảnh hưởng của di sản từ chế độ nô lệ. Công nhận việc bóc lột hàng triệu nô lệ trong hơn 300 năm là bước đi hướng tới một xã hội ít bất bình đẳng hơn", ông Almeida cho biết trong một tuyên bố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.