Tổng thống Botswana muốn đưa 20.000 con voi đến Đức

04/04/2024 11:00 GMT+7

Tổng thống Mokgweetsi Masisi của Botswana nói người Đức nên 'sống chung với đàn voi này, theo cách mà quý vị đang cố gắng thuyết phục chúng tôi làm', giữa bất đồng về chuyện săn bắn.

Tổng thống Masisi mới đây cho biết ông muốn đưa 20.000 con voi hoang dã đến Đức để thách thức lập trường của Berlin về vấn đề săn bắn. Nhà lãnh đạo Botswana lên tiếng sau khi Bộ Môi trường Đức đề nghị thiết lập giới hạn đối với việc nhập khẩu chiến phẩm săn bắn do lo ngại về nạn săn trộm, theo báo The Guardian.

Trả lời tờ Bild của Đức, ông Masisi cho rằng Đức không công bằng khi chỉ trích hoạt động săn bắn ở Botswana mà không xem xét đến tác động của tình trạng số lượng voi quá nhiều đối với nước này. Ông nói người Đức nên "sống chung với đàn voi này, theo cách mà quý vị đang cố gắng thuyết phục chúng tôi làm. Chẳng phải chuyện đùa đâu".

"Thật dễ dàng khi ngồi ở Berlin và đưa ra ý kiến về các vấn đề của chúng tôi ở Botswana. Chúng tôi đang phải trả giá giùm thế giới vì việc bảo tồn loài động vật này - thậm chí trả giá thay cho đảng của ông Lemke", ông Masisi nói, đề cập đến Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke, lãnh đạo của đảng The Greens (đảng Xanh).

Tổng thống Botswana muốn đưa 20.000 con voi đến Đức- Ảnh 1.

Quần thể voi ở Botswana ngày càng gây lo ngại cho các lãnh đạo nước này

REUTERS

Theo Bild, Botswana hiện có hơn 130.000 con voi, với mức tăng trung bình là 6.000 con/năm. Quốc gia châu Phi này coi việc săn bắn động vật lấy "chiến lợi phẩm" là bất hợp pháp vào năm 2014, song lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào năm 2019 do áp lực từ công chúng, theo The Guardian.

Tổng thống Massisi cho rằng săn bắn là biện pháp để kiểm soát quần thể voi ngày càng phình to. Ông cho biết những con voi này thường gây hại cho người dân Botswana, chẳng hạn giẫm chết người, phá hủy mùa màng cũng như làng mạc.

Bà Svenja Kleinschmidt, người phát ngôn của Bộ Môi trường Đức, nói với Business Insider rằng "Botswana vẫn chưa liên hệ" với họ về vấn đề này. Tuy nhiên, bà Kleinschmidt lưu ý Bộ trưởng Lemke đã gặp người đồng cấp Botswana vào tuần trước để "trao đổi quan điểm một cách cởi mở và mang tính xây dựng". Các chủ đề thảo luận không được tiết lộ.

"Đức là một trong những nước nhập khẩu chiến phẩm săn bắn lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Vì chuyện này, cũng như trước tình trạng mất đa dạng sinh học đáng báo động, chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo tính hợp pháp và tính bền vững của việc nhập khẩu vào Đức chiến phẩm săn bắn từ các loài được bảo vệ", bà Kleinschmidt cho hay.

Nếp nhăn là... bí mật 'sắc đẹp' của voi châu Phi

Chủ đề tranh luận

Quần thể voi ở Botswana và các vấn đề đạo đức liên quan đến chuyện săn bắn là chủ đề tranh luận trong nhiều năm.

Voi được coi là một trong những loài nguy hiểm nhất đối với con người vì kích thước và cân nặng của chúng. Theo tạp chí BBC Wildlife, voi là loài động vật trên cạn lớn nhất hiện nay và là nguyên nhân gây ra khoảng 500 ca tử vong cho con người mỗi năm.

Ngoài ra, tác động kinh tế từ hoạt động săn bắn cũng đang được xem xét. Vào năm 2021, các quan chức Botswana cho biết nước này kiếm được khoảng 2,7 triệu USD từ việc săn voi.

Elephants Without Borders (Voi không biên giới) là tổ chức bảo tồn có trụ sở tại Botswana được vợ chồng hoàng tử Harry của Anh công khai ủng hộ. Theo tổ chức này, những nỗ lực bảo tồn gần đây đã dẫn đến "mối lo ngại ngày càng tăng về cách quản lý quần thể (voi) lớn này".

Song việc đưa những con voi sang nước ngoài dường như không phải là một giải pháp hiệu quả. Botswana đã cố gắng tặng 8.000 con voi cho Angola và 500 con cho Mozambique.

Ông Dumezweni Mthimkhulu, bộ trưởng động vật hoang dã của Botswana, hồi tháng 3 cho biết ông muốn đưa 10.000 con voi đến công viên Hyde ở London sau khi Anh đề xuất cấm săn bắn chiến phẩm, theo báo Metro.

"Tôi muốn người Anh trải nghiệm cuộc sống bên cạnh loài voi, loài động vật đang tràn ngập đất nước tôi. Ở một số khu vực, voi còn nhiều hơn cả con người", ông nói.

"Chúng đang giết những đứa trẻ cản đường chúng. Chúng giẫm nát và ăn hoa màu của nông dân khiến người châu Phi đói khát. Chúng cướp nước từ các đường ống dẫn đến người dân. Chúng không còn sợ con người nữa", vị bộ trưởng cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.