“Chủ nghĩa thế tục không có gì mâu thuẫn với việc theo đạo Hồi ở nước Pháp, miễn là - và quan trọng nhất, là họ tuân thủ pháp luật”, CNN dẫn lời Tổng thống Hollande trong một phát biểu ngày 8.9 về những thách thức của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đối với nền dân chủ.
tin liên quan
Tại sao khủng bố lại nhắm vào nước Pháp?(TNO) Hơn 11 tháng sau cuộc khủng bố tại tạp chí Charlie Hebdo, Paris lại hứng chịu đợt tấn công khủng bố liên hoàn tối 13.11. Tại sao lại là nước Pháp?
Pháp trong 2 năm qua đã liên tục chứng kiến những vụ khủng bố đẫm máu tại Paris cũng như Nice. Thủ phạm trong những vụ này đều được cho có liên quan tới Hồi giáo cực đoan, và là một thách thức an ninh cho chính quyền của ông Hollande.
Những vụ khủng bố không chỉ khiến nước Pháp thiệt hại về nhân mạng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác. Điểm khó nhất là xung đột tôn giáo, khi những người đạo Hồi bình thường ở nước này đứng giữa thế khó xử cho chính họ và nhà cầm quyền.
Pháp đã tìm cách kiểm soát chặt chẽ về tình hình người dân nước này đến Trung Đông theo tiếng gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bộ Nội vụ Pháp cho biết hơn 2.100 công dân Pháp đang tham gia vào những cuộc “thánh chiến”, trong đó 680 người hiện còn ở Syria và Iraq, và hơn 200 người quay về Pháp. Số những người quay về này hoàn toàn có nguy cơ thực hiện khủng bố trên đất Pháp.
Để giải quyết vấn đề, Tổng thống Hollande tìm cách kiểm soát song song giữa tôn giáo và nhà nước. Theo đó, thay vì tách biệt đạo Hồi, ông muốn nhà nước tập trung sự quan tâm về vật chất, giáo dục cho những người theo đạo này, nhằm kiểm soát và tạo thành một “đạo Hồi của nước Pháp”.
Chủ nghĩa thế tục ở Pháp không cho phép sử dụng kinh phí nhà nước cho những nơi thờ phụng. Hồi tháng 7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết đã có 20 địa điểm thờ phụng của Hồi giáo bị đóng cửa vì chủ nghĩa cực đoan từ tháng 12 năm ngoái đến nay.
Mặc dù vậy theo ông Hollande, chủ nghĩa thế tục “không cho phép một quốc giáo chống lại tất cả những tôn giáo khác”, nhưng cần phải tạo ra một đạo Hồi của nước Pháp.
Tổng thống Pháp cho rằng điều này sẽ đạt được nếu xây dựng một quỹ dành cho đạo Hồi tại Pháp, dồn tài chính xây dựng nhà thờ, trường đào tạo, giáo dục cho các tu sĩ nói tiếng Pháp và hòa nhập với văn hóa cũng như luật pháp trong nước. Điều này cũng sẽ ngăn không để đạo Hồi từ nước ngoài thâm nhập vào Pháp và tiềm ẩn nguy cơ cực đoan.
Cách giải quyết của ông Hollande đưa ra cũng được xem là động thái nhằm giành lại uy tín trước cuộc bầu cử Pháp vào năm 2017. Hiện tại, ông Hollande cũng thổ lộ ý định tiếp tục tranh cử, giữa bối cảnh chính quyền của mình bị sụt giảm uy tín, đặc biệt ở lĩnh vực an ninh.
|
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố tái tranh cử năm sau, và ông cũng được giới chuyên môn đánh giá cao ở khả năng giữ vững an ninh nội địa. Trước khi tham gia ứng cử và làm tổng thống Pháp, ông Sarkozy từng là Bộ trưởng Nội vụ. Cũng như trường hợp ông Donald Trump ở Mỹ, những cuộc tấn công Hồi giáo cực đoan tạo ra suy nghĩ cứng rắn hơn ở một bộ phận người dân Pháp.
Trong phát biểu ngày 8.9, ông Hollande cũng ngầm chỉ trích các đối thủ chính trị của mình sau khi bị họ theo dõi về những chính sách an ninh và kêu gọi một biện pháp cứng rắn hơn với người Hồi giáo.
“Chúng ta đều biết mỗi khi chế độ dân chủ nghi ngờ chính mình, thì chủ nghĩa dân túy, mị dân, chủ nghĩa dân tộc lại trỗi dậy”, ông Hollande nói.
Bình luận (0)