Tổng thống Nga Vladimir Putin: Vũ lực là phương án cuối cùng

05/03/2014 03:25 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi sự thay đổi quyền lực tại Ukraine là cuộc đảo chính nhưng Moscow chưa có ý định dùng vũ lực để thôn tính Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi sự thay đổi quyền lực tại Ukraine là cuộc đảo chính nhưng Moscow chưa có ý định dùng vũ lực để thôn tính Crimea.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin: Vũ lực là phương án cuối cùng
Tổng thống Nga Vladimir Putin (hàng đầu, giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Shergei Shoigu (hàng đầu, trái) thị sát cuộc tập trận gần biên giới với Ukraine - Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tại Crimea bùng nổ, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4.3 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sự can thiệp của phương Tây đối với tình hình Ukraine, so sánh hành vi của Mỹ tại nước này giống như một cuộc thí nghiệm trên chuột. “Họ cảm giác như đang trong phòng thí nghiệm và thực hiện đủ loại thí nghiệm trên chuột mà không màng đến hậu quả của những việc mình đã làm”, theo Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Putin. Tổng thống Nga khẳng định ông Viktor Yanukovych vẫn còn là Tổng thống Ukraine nếu xét theo khía cạnh pháp lý, và sự thay đổi quyền lực tại Kiev là một cuộc đảo chính đi ngược lại quy định của hiến pháp. Ông tuyên bố Điện Kremlin sẽ không công nhận kết quả các cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine nếu được tổ chức trong tình hình hiện nay và nước này nên thực hiện trưng cầu dân ý nếu muốn thông qua hiến pháp mới.

Cũng trong cuộc họp báo, Tổng thống Putin khẳng định không hề gửi thêm quân đến Crimea, cũng như chẳng có kế hoạch sáp nhập bán đảo trên vào lãnh thổ của Nga. Hôm qua, ông Putin đã ra lệnh các lực lượng gồm 150.000 binh lính quay về căn cứ sau khi hoàn tất cuộc diễn tập quân sự kéo dài từ tuần trước ở gần biên giới với Ukraine. Ông cho hay việc can thiệp bằng quân sự là phương án cuối cùng để giải quyết tình trạng khủng hoảng, theo Reuters. Bên cạnh đó, ông Putin nhấn mạnh trong điều kiện đang xảy ra binh biến, Nga không có nhiệm vụ phải thực thi các điều khoản theo như cam kết vào năm 1994, với nội dung Moscow tôn trọng chủ quyền Ukraine và không sử dụng vũ lực chống quốc gia láng giềng này. Tổng thống Nga cũng cho biết Moscow vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác với chính quyền tại Kiev, dù không cho rằng đây là chính quyền hợp pháp. Trước áp lực chỉ trích từ phương Tây, ông Putin cảnh cáo rằng các thế lực nên suy nghĩ kỹ càng trước khi công bố bất cứ lệnh cấm vận đối với Nga, vì “tổn thất sẽ là của chung”.

 

NATO họp khẩn cấp về an ninh

Hiện khối NATO đang tổ chức hội nghị khẩn cấp, dự kiến kéo dài suốt 48 giờ theo yêu cầu của Ba Lan, sau khi quốc gia láng giềng của Ukraine bày tỏ lo ngại về an ninh của chính nước này. Theo AFP, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho hay Ba Lan đã yêu cầu tổ chức hội đàm theo “điều 4” quy định về phòng vệ tập thể. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini cho biết Nga đã đồng ý tham dự cuộc họp với các đại diện của NATO vào hôm nay.

Súng nổ ở Crimea

Trong hôm qua, súng đã nổ ở Crimea khi các tay súng thân Nga đang kiểm soát sân bay Belbek bắn cảnh cáo để ngăn chặn khoảng 300 binh sĩ Ukraine kéo đến. Các binh sĩ Ukraine sau đó đã lùi lại. Tính đến 0 giờ ngày 5.3, các căn cứ quân sự chính ở Crimea vẫn nằm trong vòng vây kiểm soát của lực lượng thân Nga. Điện Kremlin khẳng định chính ông Yanukovych đã yêu cầu Nga đưa quân sang Ukraine, theo tường trình của Đại sứ Nga Vitaly Churkin tại LHQ. Theo chính phủ Ukraine, Nga đã triển khai 16.000 quân ở Crimea trong những ngày qua. Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải điều động 8 chiến đấu cơ cất cánh sau khi một máy bay trinh sát Nga bay dọc theo bờ biển của họ ở biển Đen.

Sáng ngày 4.3 (giờ VN), Mỹ đã tuyên bố tạm hoãn mọi hợp tác quốc phòng với Nga vì những diễn biến ở Ukraine. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết quyết định bao trùm mọi hoạt động từ tập trận, hội đàm song phương, các chuyến thăm cảng và những hội nghị đã được lên kế hoạch. Vài giờ trước đó, Washington cũng đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư với Nga, theo phát ngôn viên của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ. Trong cuộc họp kéo dài 2 giờ vào trưa hôm qua (giờ VN) của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống Barack Obama cùng các cố vấn tiến hành thảo luận những biện pháp mà Mỹ và đồng minh có thể triển khai để “cô lập” Nga. Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền tại đây.

Tại Brussels, Cao ủy Chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton kêu gọi 28 nước thành viên cân nhắc những biện pháp trừng trị Moscow và một cuộc hội nghị thượng đỉnh châu u cũng sẽ được tổ chức vào ngày 6.3. Tuy nhiên, châu u và Washington dường như không có nhiều lựa chọn khi đối đầu với Nga, do biện pháp cấm vận kinh tế đối với Nga có thể gây phản tác dụng vì ảnh hưởng sâu rộng của kinh tế nước này trên phạm vi toàn cầu, the báo The Telegraph. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận “châu u đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989”. Theo AFP, thượng nghị sĩ John McCain đã phản đối khả năng điều động quân đội Mỹ đến Ukraine, trong khi trang tin The Huffington Post dẫn kết quả khảo sát mới nhất cho thấy hầu hết người Mỹ muốn chính quyền Washington đứng ngoài cuộc khủng hoảng tại Ukraine. 

Đặc nhiệm Nga kiểm soát Crimea ?

Những binh sĩ hiện chiếm quyền kiểm soát bán đảo Crimea ở Ukraine mà không tốn một viên đạn nhiều khả năng là các đặc nhiệm và lính nhảy dù đến lực lượng Spetsnaz khét tiếng của Nga, theo các chuyên gia quân sự ở London (Anh). Chuyên gia Igor Sutyagin thuộc Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia Anh cho biết các binh sĩ không mang phù hiệu ở Crimea sử dụng quân trang chỉ cấp cho những đơn vị tinh nhuệ. “Các đơn vị bao vây đơn vị bảo vệ bờ biển vào cuối tuần là Spetsnaz”, ông Sutyagin nói với AFP. Theo ông này, các binh sĩ có lẽ đến từ lữ đoàn Spetsnaz số 3 đóng ở thành phố Tolyatti thuộc vùng Samara của Nga. Các chiến binh cừ khôi này hiện được yểm trợ bởi ít nhất hai lữ đoàn hải quân đánh bộ đến từ biển Đen và biển Baltic.

Chuyên gia Matthew Clements của tạp chí quốc phòng Jane's Intelligence Review đồng ý rằng lực lượng đặc nhiệm thuộc cơ quan tình báo quân đội Nga GRU hiện kiểm soát bán đảo phía nam Ukraine. “Có nỗ lực nhằm hạn chế nhận diện từ lực lượng Nga ở Crimea. Nhưng chúng ta biết chắc chắn có đơn vị đặc nhiệm và nhảy dù được cử đến Crimea”, ông Clements nói. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phủ nhận điều này và mô tả đó chỉ là những lực lượng tự vệ địa phương. “Có nhiều quân phục. Bạn có thể tìm cho mình một bộ khi vào bất kỳ cửa hàng địa phương nào”, ông Putin nói.

Các đặc nhiệm Spetsnaz là chuyên gia phá hoại, ám sát và chiếm giữ các mục tiêu chiến lược. Họ thường được tung vào phía sau chiến tuyến địch, trong quân phục hoặc thường phục. Lực lượng này từng đóng vai trò chủ yếu trong việc giải cứu các con tin tại nhà hát Dubrovka ở Moscow năm 2002 và trường học tại Beslan thuộc Bắc Ossetia năm 2004. Cả hai vụ này đều kết thúc đẫm máu.

S.D

Thụy Miên

>> Tình báo Mỹ bất ngờ với kế hoạch của Nga ở Ukraine
>> Tổng thống Nga: Chính phủ lâm thời Ukraine là ‘phi hiến pháp’
>> Tổng thống Nga khẳng định chưa cần dùng quân đội tại Ukraine
>> Khủng hoảng Ukraine: Ông Putin bác tin quân Nga bao vây căn cứ quân sự Ukraine
>> Khủng hoảng Ukraine: Nổ súng cảnh cáo ở Crimea
>> Khủng hoảng Ukraine: Người biểu tình chiếm tòa nhà chính quyền Donetsk
>> Khủng hoảng Ukraine: Nga trả quân về căn cứ sau cuộc tập trận bất ngờ
>> Khủng hoảng Ukraine: Chặn một vụ mang thuốc nổ, vũ khí vào Crimea
>> Người nhà binh sĩ Ukraine tại Crimea liều mình ngăn cản quân đội Nga  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.