Với quyết định trên, ông Obama đã bác bỏ quan điểm của ông Jeh Johnson, Vụ trưởng Vụ pháp lý của Lầu năm Góc, và bà Caroline Krass, Quyền trưởng Văn phòng Tư vấn Pháp lý của Bộ Tư pháp Mỹ.
Ông Johnson và bà Krass vốn thông báo với Nhà Trắng rằng họ tin các hoạt động của Mỹ trong cuộc không kích Libya do NATO dẫn đầu đã dẫn đến “hành động chiến tranh”.
|
Theo Nghị quyết về Quyền hạn Chiến tranh năm 1973 của Mỹ, một tổng thống có thời hạn 60 ngày để tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội về việc triển khai quân đội. Nếu lỡ thời hạn này, Nghị quyết cho phép tổng thống có thêm 30 ngày để rút các lực lượng Mỹ ra khỏi vùng chiến sự.
Cột mốc 60 ngày đã trôi qua từ ngày 20.5 trong khi thời hạn 90 ngày sẽ kết thúc vào ngày Chủ nhật, 19.6.
Tuy nhiên, ông Obama đã đồng quan điểm với hai luật sư hàng đầu khác của chính phủ là Cố vấn Pháp lý của Nhà Trắng Robert Bauer và Cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Harold Koh, những người cho rằng hoạt động quân sự của Mỹ tại Libya không cấu thành “hành động chiến tranh” vì lực lượng Mỹ chỉ đóng vai trò “hỗ trợ”.
Tổng thống Mỹ có quyền bỏ qua ý kiến của Văn phòng Tư vấn Pháp lý của Bộ Tư pháp Mỹ, song thường rất hiếm khi làm thế, theo tờ New York Times.
Nhà Trắng đã giải thích quan điểm của họ về việc tham gia cuộc không kích ở Libya trong bản báo cáo 30 trang gửi đến Quốc hội Mỹ hôm 15.6.
Bản báo cáo được thực hiện sau khi Chủ tịch Hạ viện Boehner cảnh báo ông Obama rằng, các hoạt động của Mỹ tại Libya sau ngày 19.6 là bất hợp pháp nếu không có sự phê chuẩn chính thức của Quốc hội.
Trong hôm 15.6, một nhóm các hạ nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đệ đơn khởi kiện ông Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates vì tiến hành các chiến dịch ở Libya một cách bất hợp pháp.
Sơn Duân
Bình luận (0)