Tổng thống Obama tin quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP trong năm 2016

30/07/2016 12:29 GMT+7

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nỗ lực thúc đẩy việc phê chuẩn TPP ở quốc hội Mỹ trong năm 2016, trước khi ông chính thức rời Nhà Trắng.

Tổng thống Barack Obama chỉ còn ít tháng cuối cùng tại Nhà Trắng và ông đang đẩy mạnh những nỗ lực cuối cùng để hoàn thành những mục tiêu còn dang dở, trong số đó có việc thúc đẩy quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 
Reuters ngày 30.7 dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz cho biết Tổng thống Obama muốn quốc hội phê chuẩn TPP ngay trong năm 2016, trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20.1.2017. Nhà Trắng khẳng định ông Obama ý thức rất rõ những khó khăn đối với việc thông qua TPP nhưng sẽ không từ bỏ. "Tổng thống Obama hoàn toàn tin rằng thỏa thuận này sẽ được phê chuẩn trong năm nay", ông Schulz nói.
Ông Obama cho rằng quốc hội Mỹ phải nhìn nhận rõ việc thông qua TPP mang lại lợi ích như thế nào đối với kinh tế Mỹ. Theo đó, Mỹ có thể để tuột mất cơ hội vào tay Trung Quốc trong vai trò người dẫn dắt và viết luật lệ cho lộ trình thương mại toàn cầu. Nếu TPP được Mỹ phê chuẩn trong năm nay, đó sẽ là một di sản chính sách kinh tế đối ngoại lớn của ông Obama trong nhiệm kỳ của mình. 
Mặc dù vậy, điều ông Obama mong muốn có thành hiện thực hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi lẽ, trong quốc hội và chính giới Mỹ đang có rất nhiều người phản đối TPP. Tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ, nhiều chính trị gia đã phản ứng gay gắt với thỏa thuận này. Chưa kể cả hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay là cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỉ phú Donald Trump đều phản đối TPP. 
TPP là trụ cột kinh tế trong chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama. Thỏa thuận này nếu được đi vào thực thi sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất với sự góp mặt của 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei. Ngày 5.10.2015, các nước này đã ký thông qua hiệp định chung, tuy nhiên để thực thi cần phải được cơ quan lập pháp của các nước phê duyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.