Tổng thống Duterte hôm 11.8 tự đề xuất dùng mình như chuột bạch (thường dùng trong phòng thí nghiệm) để được tiêm thử nghiệm vắc xin Sputnik V của Nga, theo AFP.
Ông Duterte đồng thời bày tỏ "sự tin tưởng rất lớn" vào vắc xin Sputnik V, bất chấp các chuyên gia hoài nghi về độ an toàn.
Tuy nhiên, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống, ngày 13.8 cho biết ông Duterte chỉ tiêm vắc xin nếu nó được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines phê chuẩn. Ông Roque cho biết thêm Tổng thống Duterte có thể được tiêm vắc xin của Nga vào tháng 5.2021.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 do Nga tài trợ tại Philippines sẽ kết thúc vào tháng 3.2021, theo ông Roque.
Đến tháng 4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines dự kiến sẽ phê chuẩn vắc xin Sputnik V do Viện nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phối hợp phát triển.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin hôm 11.8 tuyên bố Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc xin phòng Covid-19 sau cuộc thử nghiệm lâm sàng chưa đầy 2 tháng, theo Reuters.
Nga chỉ mới bắt đầu tiến cuộc thử nghiệm cuối cùng với 2.000 người vào ngày 12.8, được gọi là Giai đoạn 3. Giai đoạn 3 là bước cuối cùng trong thử nghiệm lâm sàng trước khi vắc xin được phê chuẩn.
Tuy nhiên, chính phủ Nga lên kế hoạch sản xuất đại trà vắc xin phòng Covid-19 từ tháng 10 và đến tháng 12 có thể đạt năng suất khoảng 10 triệu liều/tháng. Các chuyên gia trong lẫn ngoài nước bày tỏ lo ngại trước tốc độ mà Nga phát triển, thử nghiệm và tung ra vắc xin.
Chính phủ Philippines đã chấp nhận đề nghị của Nga về việc tham gia sản xuất vắc xin này.
Hiện Philippines có số ca nhiễm cao nhất ở Đông Nam Á với hơn 147.500 trường hợp và hơn 2.400 người chết vì Covid-19.
Bình luận (0)