Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông muốn Trung Quốc hỗ trợ tuần tra khu vực trên trong bối cảnh những vụ cướp biển và bắt cóc xảy ra ngày càng nhiều tại đó. Chủ nhân Điện Malacanang lo ngại tình trạng này sẽ leo thang đến mức độ như tại Somalia, khiến chi phí bảo hiểm cũng như giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao.
“Tôi đã đề nghị Trung Quốc, thông qua đại sứ nước này, tiên hành tuần tra tại đó (biển Sulu) nhưng tôi chưa nghe được bất kỳ phản hồi nào. Có quá nhiều đề nghị tôi đã đưa ra mà Trung Quốc vẫn chưa tán thành”, ông Duterte nói với các phóng viên tại Điện Malacanang hôm 1.3.
Tổng thống Philippines thừa nhận Trung Quốc có lực lượng hải quân “khổng lồ” và có thể đóng góp vào việc tuần tra những nơi mà các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tung hoành.
Ông đưa ra tuyên bố trên sau khi xin lỗi chính phủ Đức vì đã không bảo vệ được tính mạng của một con tin là công dân nước này bị tổ chức cực đoan Abu Sayyaf chặt đầu sau khi thời hạn chót nộp tiền chuộc chấm dứt cuối tuần qua.
Ông Jurgen Kantner đã bị cầm giữ suốt 3 tháng ở Sulu sau khi bị bắt cóc khỏi chiếc du thuyền của ông hồi tháng 11.2016.
Abu Sayyaf, tổ chức ly khai kiếm sống bằng hoạt động cướp biển và bắt cóc đòi tiền chuộc, đã công khai tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chủ nhân Điện Malacanang trước đó thừa nhận mối đe dọa của IS đối với Philippines, cho rằng một số phần tử cực đoan đang cố gắng thu hút sự chú ý của quốc tế và tranh nhau thực hiện những hành động tàn bạo ở miền nam.
Philippines gần đây đã ký thỏa thuận với Malaysia và Indonesia về việc tuần tra các vùng biển chung.
Bình luận (0)