Tổng thống Putin 'bí bài' vực dậy kinh tế Nga?

02/08/2016 15:56 GMT+7

Kinh tế nước nhà đã sụt giảm trong 18 tháng nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa quyết kế hoạch vực dậy phù hợp.

Theo Bloomberg, sau khi gần như chỉ tập trung vào chính sách đối ngoại từ đầu năm 2014, yêu cầu đưa kinh tế vào lại đường ray khiến Tổng thống Vladimir Putin đối mặt với lựa chọn khó khăn: chịu thua trước đòi hỏi của thị trường hay bảo vệ hệ thống lấy điện Kremlin làm trung tâm của ông.
“Ông Putin đưa ra quyết định chính trị và địa chính trị một cách tự tin, nhưng chần chừ trong quyết sách kinh tế vì với ông nó khó hơn”, cựu bộ trưởng kinh tế Nga Yevgeny Yasin cho biết. Ông Yasin cho hay kinh tế nước nhà thực sự đang rất cần các biện pháp dứt khoát để thoát khỏi hiện trạng trì trệ, song lại cảm thấy Tổng thống dường như chưa sẵn sàng cho hành động kiên quyết.
Điểm tệ nhất của đợt suy giảm kinh tế dài nhất trong suốt 16 năm ông Putin cầm quyền dường như đã qua. Song ngay cả các quan chức của Điện Kremlin cũng thừa nhận vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế phục hồi, ngoài chuyện giá dầu có thể tăng như vài chuyên gia dự báo. 
Dàn cố vấn hùng hậu
Giá dầu thấp đẩy Nga vào suy thoái. Biểu đồ thể hiện nhập khẩu và GDP thực của Nga giảm đi từ năm 2014 Bloomberg
Giá dầu thô rẻ đã và đang ăn sâu vào nguồn thu của chính phủ, trong khi các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang hạn chế tiếp cận nguồn vốn. Các biện pháp kích thích như loại từng đưa kinh tế Nga trở lại đường ray sau đợt suy thoái kinh tế năm 2009 là ngoài tầm với. Ngân hàng Trung ương Nga cho hay lạm phát đang trên 7%, còn doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn cắt giảm chi tiêu.
Vài tháng qua, ông Putin có triệu tập hai cố vấn cấp cao để hỏi về các ý tưởng thúc đẩy nền kinh tế. Tổng thống cho hay ông đặt mục tiêu tăng trưởng 4%/năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng 1,2% mà giới chuyên gia dự báo cho năm sau. Dù vậy, số liệu trên vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ ông từng chứng kiến trong hai nhiệm kỳ đầu tiên, từ năm 2000 đến năm 2008, khi giá dầu “bay cao” kéo nền kinh tế đi lên. Nền kinh tế trì trệ cũng ảnh hưởng đến tham vọng địa chính trị của Tổng thống Nga, vì nước này sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu cho quân sự.

tin liên quan

Tổng thống Putin: Kinh tế Nga đã vượt qua suy thoái
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg đang diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay kinh tế Nga đang tăng trưởng trở lại. Ông cũng nhấn mạnh nước Nga không ác cảm với Liên minh châu Âu (EU).
Chia rẽ đã xuất hiện trong hàng loạt chuyên gia tham gia hiến kế cho tổng thống. Điều này trái ngược với cách mà ông Putin xử lý cuộc xung đột ở Ukraine và Syria, khi ông dựa vào lời khuyên từ một vòng tròn chặt chẽ những trợ lý thân cận nhất.
Nổi bật nhất trong hàng cố vấn kinh tế hiện nay là Alexei Kudrin, nhân vật được biết đến là người đặt nền cho sự ổn định tài chính khi giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 2000 đến năm 2011. Việc bổ nhiệm Alexei Kudrin vào vai trò cấp cao hồi tháng 4 làm dấy lên kỳ vọng cho rằng ông Putin có thể ủng hộ lời kêu gọi của ông Kudrin về việc giảm kiểm soát nhà nước với nền kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách để kiềm chế lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ủng hộ cách làm trên trong đánh giá kinh tế Nga hằng năm công bố vào đầu tháng 7.
Kỳ vọng cao
Tình hình ngân sách Nga tệ hơn khi giá dầu tỷ lệ nghịch với thâm hụt ngân sách Bloomberg
Tuy nhiên đến nay, Tổng thống Nga vẫn có vẻ như đang tìm kiếm thêm nhiều “phép thần” để đẩy kinh tế đi lên lần nữa, nhanh như khi giá dầu “bay cao” hồi giữa những năm 2000, một người tham gia thảo luận hiến kế tiết lộ. Các biện pháp như loại mà ông Kudrin đề xuất có nguy cơ đẩy những nhân vật có quyền trong dàn doanh nghiệp nhà nước ra ngoài, bằng cách hạn chế họ và hạ hỗ trợ công nếu chi tiêu chính phủ giảm đi. Cả hai đều mạo hiểm khi ông Putin hướng đến cuộc bầu cử năm 2018.
Oleg Vyugin, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga cho hay: “Ông Kudrin đã được giao nhiệm vụ, nhưng hiện nay nó không có giá trị gì”. Ở vai trò mới nhất, ông này chỉ được chỉ định đưa ra chương trình cho nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp của ông Putin. Nỗ lực rộng hơn của ông Kudrin trong việc tác động đến các chính sách hiện hành thì bị ngăn cản.
Đầu tư chững lại khi giới doanh nghiệp vẫn thận trọng về triển vọng kinh tế Nga Bloomberg
Tổng thống Nga yêu cầu một nhóm nhà kinh tế học, những người ủng hộ kế hoạch được họ gọi là “nới lỏng định lượng theo phong cách Nga”, chuẩn bị chương trình chi tiết cho kế hoạch kích thích kinh tế hằng năm trị giá 1.500 tỉ rúp Nga, tương đương 22,5 tỉ USD. Kế hoạch trên đi ngược với lời kêu gọi của ông Kudrin là kiểm soát chi tiêu chính phủ và cho phép khu vực tư thúc đẩy tăng trưởng.
Cũng theo một nhân vật tham gia vào quá trình hiến kế kinh tế, ông Putin có khuynh hướng chọn ý tưởng từ phía đối lập để giảm thiểu bất đồng, giữ cho ''nhóm người ưu tú'' hài lòng hơn là áp dụng chiến lược rộng. Tuy nhiên, kết quả có vẻ ngược lại. Đơn cử, hoạt động tư nhân hóa trong năm nay vốn được cho là sẽ giảm vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, nhưng trong số các nhà thầu tiềm năng cho một số tài sản lại xuất hiện nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư nhà nước lớn.
Mức sống ở Nga cũng đi xuống theo nền kinh tế Bloomberg
Ông Putin cũng lập ủy ban đặc biệt cho “các dự án ưu tiên” giúp tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Song Sergey Dubinin, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương, người hiện làm việc tại nhà băng VTB Bank cho biết: “Ưu tiên hàng đầu là các dự án quốc gia, nơi mà tiền vẫn có thể được tìm thấy, và các ưu tiên như thế cần điều khiển thủ công”. Dubinin nhắc đến kiểu quản lý nhà nước nặng tay mà các chuyên gia ủng hộ đường hướng thị trường như ông Kudrin cho là rào cản đối với tăng trưởng.
Cuộc khảo sát được Bloomberg thực hiện cho hay đa số các nhà kinh tế cho rằng giá dầu phải ở dưới ngưỡng 40 USD/thùng trong thời gian dài mới có thể buộc Điện Kremlin thay đổi.
Khi Tổng thống Nga đưa Alexei Kudrin vào vai trò cố vấn mùa xuân năm nay, ông Kudrin cho hay mình sẽ thúc đẩy tiến trình cải tổ mạnh mẽ. “Mục tiêu của tôi là cho thấy kinh tế sẽ không tăng trưởng nếu chúng ta không cải cách thể chế”, ông này nói trong một buổi họp hồi tháng 5. Song Tổng thống Putin không mấy ưu ái đề xuất này. Ông từ chối bất cứ đề nghị nào cho rằng ông nên nhượng bộ để giảm căng thẳng với phương Tây nhằm hạ bớt áp lực lên nền kinh tế.
“Ôn Putin còn vô số mối quan tâm khác. Ngay cả tại cuộc họp đó, ông cũng chủ yếu nói về chính sách đối ngoại”, Boris Titov, người tham dự phiên họp ban cố vấn với Kudrin hồi tháng 5 cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.