Tổng thống Putin hôm 28.7 đã cảnh báo Mỹ về nguy cơ khơi mào cuộc khủng hoảng tên lửa như thời Chiến tranh Lạnh nếu đưa vũ khí tầm xa tới Đức.
Trước đó không lâu, Mỹ và Đức đã thông báo rằng Washington sẽ bắt đầu triển khai vũ khí tầm xa như tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk, vũ khí bội siêu thanh tại Đức vào năm 2026 trong nỗ lực nhằm khẳng định cam kết với các đồng minh NATO tại châu Âu.
Theo hãng tin Reuters trong một bài phát biểu tại thành phố Saint Petersburg nhân ngày kỷ niệm hải quân Nga, ông Putin cho rằng tên lửa Mỹ định triển khai ở Đức có thể đe dọa "các cơ sở chính quyền và quân sự quan trọng của Nga".
Tổng thống Nga cáo buộc Mỹ đang gây căng thẳng và đã chuyển các tổ hợp tên lửa Typhon đến Đan Mạch và Philippines.
Ông so sánh kế hoạch sắp tới của Washington như việc NATO triển khai các bệ phóng tên lửa đạn đạo Pershing II tại Tây Âu vào năm 1979.
"Tình huống này gợi nhớ lại các sự kiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ ở châu Âu.
Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, Nga sẽ tự xem mình không còn bị ràng buộc bởi lệnh tạm hoãn đơn phương trước đây về triển khai các tổ hợp tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc tăng cường năng lực của lực lượng ven biển của hải quân Nga.
Hiện nay, việc phát triển những hệ thống như vậy của Nga đang ở giai đoạn cuối", ông Putin nói trong ngày kỷ niệm hải quân Nga.
Tổng thống Nga cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng "trên cơ sở xem xét các hành động của Mỹ". Bên cạnh đó, tại sự kiện kỷ niệm của hải quân, ông Putin cho biết đang có những kế hoạch để đẩy mạnh cung cấp các vũ khí tiên tiến cho hải quân, gồm tên lửa bội siêu thanh.
Hiện Mỹ và Đức chưa bình luận về tuyên bố này.
Bình luận (0)