Tổng thống Putin là công cụ tranh luận của phương Tây?

18/05/2016 21:35 GMT+7

Sau Mỹ, tới lượt nước Anh có những biểu hiện cho thấy họ đã lấy Nga và Tổng thống Vladimir Putin để làm “công cụ” tranh luận, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin ngày 18.5.

Mối quan hệ của Nga và Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU) đã tồi tệ đặc biệt từ năm 2014 tới nay. Thế nên trong nhiều cuộc tranh luận nội bộ của phương Tây, “yếu tố Nga” luôn góp phần để họ cân, đo, đong, đếm.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin hôm 18.5 nhắc lại chuyện ấy, một ngày sau khi Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng ông nghĩ Tổng thống Nga Putin “có lẽ sẽ hạnh phúc” nếu người Anh quyết định chọn phương án nước này rời khỏi EU.

Ông Boris Johnson, cựu thị trưởng London và là người đứng đầu cuộc vận động đòi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nói tổ chức này đang đi trên con đường của nhà độc tài Adolf Hitler trước đây, theo Reuters.

“Chúng tôi thấy yếu tố Nga đã thường xuyên trở thành công cụ trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng đây là hiện tượng lạ khi yếu tố Nga, hay yếu tố Tổng thống Putin cũng được sử dụng trong cuộc tranh luận ‘Brexit’ vừa qua”, ông Peskov nói với các phóng viên.

Vào ngày 23.6, nước Anh sẽ có cuộc bỏ phiếu quyết định việc họ ở lại hay rời khỏi EU. Đây là câu chuyện gây tranh cãi lớn ở Anh thời gian qua, mà truyền thông thường gọi là “Brexit”. Thủ tướng Anh David Cameron là người có khuynh hướng muốn ở lại EU, và cho rằng việc nước Anh rời khối này sẽ khiến châu Âu suy yếu và đó là “niềm hạnh phúc” của Tổng thống Nga Putin.

Nga và EU đang có quan hệ không tốt, vì các nước liên minh ở châu Âu này đã áp đặt lệnh cấm vận lên Nga sau các sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine. Mặc dù vậy, ông Peskov vẫn khẳng định Moscow vẫn duy trì thái độ hợp tác với EU.

Câu chuyện về mối quan hệ giữa Anh và EU sắp có kết quả Reuters

Ông nói tiếp: “Đó là hiện tượng mới... và đừng quên rằng Tổng thống Putin đã hơn một lần nói về sự quan tâm của chúng tôi trong việc tạo dựng mối quan hệ đối tác tốt đẹp, đôi bên cùng có lợi với EU”.

Đại sứ quán Nga ở London cũng than phiền về việc Moscow bị lôi kéo vô cớ vào các cuộc tranh luận nhạy cảm, và chính phủ Nga không hề có ý kiến về vị trí của nước Anh ở EU. Khác với các nguyên thủ như Tổng thống Barack Obama của Mỹ, Tổng thống Nga Putin cũng chưa hề cho ý kiến chính thức về chuyện Anh đi hay ở lại EU, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.