Phát biểu trên truyền hình ngày 25.3, Tổng thống Putin cho biết Nga sắp xây dựng xong một cơ sở lưu trữ đặc biệt dành cho vũ khí hạt nhân tại Belarus và dự kiến hoàn tất vào ngày 1.7.
Đài RT dẫn lời ông Putin cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được đưa đến Belarus sớm nhất vào mùa hè năm nay, đánh dấu lần đầu tiên từ thập niên 1990 vũ khí này được triển khai ngoài lãnh thổ Nga. Nhà lãnh đạo nói rằng không có kế hoạch giao quyền kiểm soát vũ khí đó cho Belarus, nghĩa là vũ khí sẽ do lực lượng Nga quản lý.
Tổng thống Putin không nói rõ loại vũ khí mà Nga định triển khai là gì. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể là các loại tên lửa, bom trọng lực hay ngư lôi.
Ông Putin tuyên bố Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus
Theo Reuters, giới hàn lâm và các nhà kiểm soát vũ khí của thế giới vẫn còn tranh luận về định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, vũ khí này được cho là có sức công phá đa dạng và thường được sử dụng để đạt mục tiêu chiến thuật trong cuộc chiến, hơn là phá hủy nguyên một thành phố lớn.
Những quả bom hạt nhân B61 mà Mỹ đang triển khai tại các đồng minh NATO tại châu Âu có sức nổ từ 0,3 đến 170 kiloton. Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945 có sức mạnh khoảng 15 kiloton. Một kiloton có sức công phá tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT.
Ông Putin nói rằng đã quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là do Anh cung cấp đạn pháo chứa uranium nghèo cho Ukraine. Gần đây, Anh thông báo sẽ gửi đạn pháo chứa uranium nghèo để dùng cho xe tăng Challenger 2 mà nước này cung cấp cho Ukraine.
Uranium nghèo là kim loại đặc, là phụ phẩm trong quá trình làm giàu uranium tự nhiên cho nhiên liệu hạt nhân. Uranium nghèo có mức phóng xạ thấp hơn và thường được sử dụng làm đạn xuyên giáp, giáp xe tăng. Loại vũ khí này đang bị một số nước cấm sử dụng.
Tổng tham mưu trưởng Mỹ: Xung đột Ukraine sẽ kết thúc trên bàn đàm phán
Nga cho rằng hành động của Anh và sự ủng hộ của Mỹ là cực kỳ liều lĩnh, thiếu trách nhiệm. Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng việc sử dụng loại đạn xuyên giáp này có thể gây ra thảm họa phóng xạ tại Ukraine.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng nói rằng quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là do đồng minh Belarus nhiều lần kêu gọi. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nêu lo ngại về việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) triển khai vũ khí hạt nhân gây đe dọa nước này, do đó Minsk cần biện pháp thích hợp để đối phó.
Vũ khi hạt nhân chiến thuật của Mỹ đang được triển khai tại Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Không nước nào trong số này giáp Belarus nhưng ông Lukashenko nói rằng Mỹ có đối thoại với Ba Lan (giáp Belarus) và có thể triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này.
Mỹ nói Nga phản đối đạn uranium nghèo vì sợ mất thêm nhiều xe tăng
Sau tuyên bố của ông Putin, Bộ Quốc phòng Mỹ nói chưa thấy dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rằng cơ quan này đã thấy thông tin của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. "Chúng tôi vẫn cam kết việc phòng vệ tập thể của liên minh NATO", thông báo nêu.
Bình luận (0)