“Tôi không chấp nhận và cũng không chịu đựng được việc giết hại nhà báo, chẳng cần xét tới động cơ và lý do giết người. Tôi chưa bao giờ nói rằng giết nhà báo là điều hợp lý vì họ liên quan tới tham nhũng. Nhiệm vụ của tôi ở tư cách một Tổng thống là phải duy trì, thực thi pháp luật và tôi sẽ bám đuổi, truy tố những kẻ giết người tới cùng”, Reuters dẫn một tuyên bố của ông Duterte gửi người phát ngôn Salvador Panelo phổ biến đến báo đài ngày 8.6.
Đây được xem là một động thái đáp trả, giải thích mà ông Duterte muốn gửi tới báo chí, đối tượng đã mâu thuẫn lớn với ông vì những phát ngôn của chính trị gia này đối với người làm báo.
Trước đó làng báo trong và ngoài Philippines đã dậy sóng khi ông Duterte nói rằng việc hành nghề phóng viên không thể đảm bảo sự an toàn cho họ, nếu họ là “đồ khốn nạn”.
Philippines lâu nay bị xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất cho các nhà báo. Tính từ năm 1986, đã có 175 nhà báo bị giết tại đây, một con số cao hàng đầu thế giới, theo Reuters.
tin liên quan
Nói nhà báo đáng chết, tân tổng thống Philippines bị chỉ tríchCác phương tiện truyền thông ở Philippines dậy sóng sau phát biểu của Tổng thống tân cử Rodrigo Duterte. Ông cho rằng nhà báo bị sát hại là đúng, nếu họ là bọn tham nhũng và “khốn kiếp”.
Sau khi bị báo giới lên án, ông Duterte đã phản ứng tiêu cực bằng cách khẳng định sẽ không thực hiện bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào cho tới khi ông hết nhiệm kỳ 6 năm sau (năm 2022). Trang tin Breitbart (Mỹ) dẫn một đoạn video do ông Duterte đưa ra hôm 6.6 nói: “Nếu có phỏng vấn, sẽ có sai lầm, sẽ có nhiều lời chỉ trích nữa. Vì vậy đừng phỏng vấn, thì không chỉ trích, không có tuyên bố nào sai, không có gì hết... Tôi sẽ im lặng. Tôi chịu hết nổi rồi”.
Vì phát biểu ấy, ông Duterte tiếp tục một trận chiến khác với báo chí. Ngày 7.6, hai báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là Cristof Heyns và David Kaye yêu cầu ông Duterte ngừng “kích động bạo lực” và nói Tổng thống tân cử Philippines là người “vô trách nhiệm”.
Hôm 8.6, báo PhilStar (Philippines) dẫn lời ông Duterte đáp lại ông Heyns rằng: "Hãy về nhà và ngủ nghỉ đi. Ông đã làm việc quá sức và có vẻ mệt mỏi rồi".
Và dù đã tuyên bố tẩy chay báo chí, ông Duterte vẫn đưa ra những lời giải thích cho bối cảnh mà ông đã cho ra những phát ngôn gây bức xúc trước đây.
“Những gì tôi nói ở đây là các bạn không cần phải là một nhà báo làm đối tượng của các vụ giết người. Có nhiều trường hợp nhà báo bị sát hại vì lý do thuộc về những gì họ ủng hộ, nhưng cũng có những người bị giết vì họ đã nhận hối lộ và không giữ được sự cam kết của họ với kẻ hối lộ. Sứ mệnh cao quý của nhà báo không phải là điều nên có ở tội phạm và tống tiền”, ông Duterte bày tỏ.
Bình luận (0)