Ông Erdogan hôm 8.2 đã đến các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất để xem xét thiệt hại cũng như theo dõi nỗ lực cứu hộ. Phát biểu trước báo giới ở tỉnh Kahramanmaras, nhà lãnh đạo thừa nhận những vấn đề trong phản ứng ban đầu của chính phủ, bao gồm chuyện đường sá và sân bay, sau khi trận động đất đầu tiên xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ rạng sáng 6.2.
"Chúng tôi sẽ làm tốt hơn vào ngày mai và sau này. Chúng tôi vẫn còn một số vấn đề về nhiên liệu... nhưng chúng tôi cũng sẽ khắc phục những vấn đề đó", ông Erdogan nói.
Ông Erdogan, người sẽ tái tranh cử tổng thống vào tháng 5, cho biết các hoạt động hiện đã diễn ra suôn sẻ và cam kết sẽ không có ai phải sống cảnh màn trời chiếu đất, giữa lúc tổng số người chết được báo cáo ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria đã vượt qua mốc 12.000.
Sau đó, ông cũng lên án những người chỉ trích phản ứng của chính phủ. "Đây là thời điểm đoàn kết, thống nhất. Trong thời điểm như thế này, tôi không thể chịu nổi những người tiến hành các chiến dịch tiêu cực vì lợi ích chính trị", ông Erdogan nói với các phóng viên ở tỉnh Hatay.
Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Đau lòng ngóng tin thân nhân, cứu hộ vừa chậm vừa thiếu
Tuy nhiên, thảm kịch lần này sẽ là thách thức đối với ông Erdogan trong cuộc bầu cử vốn đã được coi là cuộc chiến cam go nhất trong hai thập niên cầm quyền của ông. Nếu chính phủ của ông Erdogan không làm tốt việc khắc phục hậu quả thiên tai thì có thể ảnh hưởng đến triển vọng tái đắc cử của nhà lãnh đạo.
Khắp một khu vực rộng lớn ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, người dân đã đổ xô tìm nơi trú ẩn tạm thời và thực phẩm giữa mùa đông lạnh giá, cũng như chờ đợi bên cạnh những đống đổ nát nơi người thân và bạn bè của họ có thể vẫn đang còn kẹt bên dưới. Nhiều người tại vùng thảm họa đã phải đắp chăn ngủ trong ô tô hoặc trên đường phố bất chấp giá rét, vì chưa dám về lại các tòa nhà bị rung chuyển bởi hai trận động đất đều mạnh trên 7 độ Richter hôm 6.2.
Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm người còn sống. Song nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự tức giận về tình trạng thiếu thiết bị, thiếu chuyên môn và thiếu sự hỗ trợ để giải cứu những người bị mắc kẹt - ngay cả khi họ có thể nghe thấy tiếng kêu cứu.
"Nhà nước ở đâu? Họ đã ở đâu trong hai ngày? Chúng tôi đang cầu xin họ. Hãy để chúng tôi làm điều đó, chúng tôi có thể đưa người ra ngoài", một cư dân tên Sabiha Alinak nói khi đang đứng cạnh một tòa nhà bị sập phủ đầy tuyết ở thành phố Malatya, nơi con cháu của chị vẫn đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Động đất chồng chất khốn khổ lên người dân Syria
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở nước láng giềng Syria, nơi động đất đã tàn phá nghiêm trọng nhiều địa phương phía bắc. Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc thừa nhận chính phủ nước này "thiếu khả năng và thiếu thiết bị", nói đây là hậu quả của hơn một thập niên nội chiến ở đất nước cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bình luận (0)