Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo Tổng thống Mỹ Barack Obama là người "nói sau lưng" khi chỉ trích sự tự do báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: AFP |
Sau cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề hội nghị an ninh hạt nhân ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 1.4, Tổng thống Obama nói rằng ông có vấn đề với việc hạn chế tự do báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Obama cho biết đã kêu gọi Tổng thống Erdogan không trấn áp những diễn đàn dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters ngày 3.4.
Báo Hurriyet ngày 3.4 trích lời Tổng thống Erdogan nói rằng ông cảm thấy buồn khi nghe “tuyên bố từ sau lưng như vậy”. “Tôi buồn khi nghe những lời đó từ sau lưng. Trong cuộc gặp với ông Obama, những vấn đề đó không hề được nêu ra”.
Theo ông Erdogan, chỉ trích nền báo chí Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động nhằm chia rẽ, đảo lộn mọi thứ và nếu điều đó xảy ra, nó có thể nuốt chửng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan còn cho rằng một thế lực ở nước ngoài đóng vai trò “quân sư” đang tìm cách gây bất ổn Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ chịu sự lên án của cộng đồng quốc tế khi buộc tội 2 nhà báo làm phản vì đăng đoạn video chiếu cảnh cơ quan tình báo nước này chuyển các lô vũ khí cho phe đối lập tại Syria vào đầu năm 2014. Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 149 trong tổng số 180 nước thuộc danh sách tự do báo chí thế giới năm 2015, theo The Independent.
Ngoài ra, nước này còn kiểm soát nhiều tờ báo đối lập và kênh truyền hình, cắt đường truyền vệ tinh của một kênh ủng hộ cho người Kurd, đồng thời cáo buộc những hãng này có hoạt động liên quan đến khủng bố, theo Reuters.
Riêng cá nhân Tổng thống Erdogan, từ khi nhậm chức năm 2014, ông đã ban hành hơn 1.800 đơn tố tụng hình sự đối với những cá nhân, gồm nhà báo và trẻ em, có hành động lăng mạ ông.
Uỷ ban bảo vệ nhà báo cho biết có ít nhất 13 nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ đã ngồi tù vì đưa tin hoặc lên tiếng về các cuộc đàn áp, sách nhiễu của cơ quan quản lý báo chí nước này.
Bình luận (0)