Tổng thống Trump bị luận tội lần 2

Khánh An
Khánh An
15/01/2021 06:00 GMT+7

Sau khi Hạ viện thông qua nghị quyết, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị luận tội 2 lần trong một nhiệm kỳ.

Hạ viện Mỹ rạng sáng qua 14.1 (giờ VN) tiến hành phiên tranh luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Donald Trump. Theo CNN, sau khoảng 3 giờ tranh luận, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết với kết quả 232 phiếu thuận và 197 phiếu chống, khiến ông Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội 2 lần. Đáng chú ý, 10 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội.

Cáo buộc “xúi giục bạo loạn”

Trong đoạn video trên tài khoản Twitter của Nhà Trắng hôm qua, Tổng thống Trump lên án bạo loạn hôm 6.1, khẳng định không có người ủng hộ thật sự nào của ông tiếp tay cho bạo lực chính trị. Tuy nhiên, ông không đề cập việc bị luận tội lần 2. Tổng thống Trump cũng kêu gọi người Mỹ cố gắng vượt qua những cảm xúc của thời khắc này và đoàn kết. Trong khi đó, tổng thống tân cử Biden hy vọng Thượng viện sẽ có cách thực thi trách nhiệm theo Hiến pháp, trong khi vẫn đối phó các vấn đề cấp bách khác của quốc gia như Covid-19, phục hồi kinh tế và phê chuẩn đề xuất bổ nhiệm các quan chức chính phủ tương lai
Cuộc tranh luận diễn ra với lực lượng an ninh dày đặc bên trong lẫn ngoài Điện Capitol, nơi những kẻ bạo loạn xông vào hôm 6.1, làm gián đoạn phiên họp quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Ngay trước phiên họp ngày 6.1, Tổng thống Trump cáo buộc bầu cử có gian lận và kêu gọi những người ủng hộ “thể hiện sức mạnh, chiến đấu mạnh mẽ hơn” để ngăn chặn việc “đánh cắp cuộc bầu cử”.
Ngoài cáo buộc ông Trump “xúi giục bạo loạn”, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và nền dân chủ, nghị quyết luận tội còn đề cập rằng Tu chính án thứ 14 cấm bất cứ người nào liên quan đến nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại nước Mỹ tham gia vào các cơ quan của nước Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nhiều nghị sĩ Dân chủ gay gắt chỉ trích Tổng thống Trump, trong khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi đảng Dân chủ ngừng nỗ lực luận tội nhằm phế truất tổng thống vì cho rằng điều đó chỉ khiến đất nước trở nên chia rẽ hơn, khi nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn lại ít ngày.

Liệu ông Trump có bị phế truất?

Đảng Dân chủ tuyên bố kết quả luận tội này sẽ được gửi ngay lên Thượng viện để tiến hành xét xử ông Trump. Trong trường hợp 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, Tổng thống Trump sẽ bị phế truất. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói phiên xét xử tại Thượng viện không thể diễn ra trước khi ông Biden nhậm chức ngày 20.1, theo The Guardian.
“Do những quy tắc, thủ tục và tiền lệ của Thượng viện liên quan việc xét xử luận tội tổng thống, không thể nào tổ chức phiên xét xử công bằng và nghiêm túc trước khi tổng thống tân cử Biden tuyên thệ vào tuần sau”, ông McConnell nói.

Ông Trump chống Trung Quốc tới phút chót

Khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là rời Nhà Trắng, Tổng thống Trump ngày 13.1 (giờ Mỹ) đã ký sắc lệnh bổ sung, yêu cầu mọi nhà đầu tư Mỹ trước ngày 11.11 phải rút hết vốn tại các công ty bị Lầu Năm Góc xem là thuộc sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát.
Theo Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ, sắc lệnh mới nhằm ngăn Trung Quốc huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ để hiện đại hóa quân đội. Có ít nhất 35 công ty Trung Quốc bị Lầu Năm Góc xem là có dính líu quân đội Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ ngày 14.1 cho hay đã thêm Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen với cáo buộc giúp đỡ Trung Quốc dọa dẫm các nước láng giềng ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Công ty Skyrizon của Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách đen vì “có khả năng phát triển, sản xuất hoặc duy trì những thứ của quân đội, chẳng hạn như động cơ máy bay quân sự”.
Huỳnh Thiềm
Trước đó, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã tìm cách đẩy nhanh phiên xét xử trước ngày Tổng thống Trump mãn nhiệm, nhưng ông McConnell nói rằng do Thượng viện đang trong kỳ nghỉ nên cần phải có sự đồng ý của toàn bộ 100 thượng nghị sĩ nếu muốn viện này triệu tập.
Mặt khác, ông McConnell nói rằng điều tốt nhất cho đất nước vào lúc này là quốc hội cùng nhánh hành pháp trong vài ngày còn lại nên tập trung vào việc đảm bảo lễ nhậm chức an toàn và chuyển giao quyền lực có trật tự.
Với những điều ông McConnell tuyên bố thì Thượng viện Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ xét xử “cựu Tổng thống Trump” chứ không phải khi ông đương chức. Sau kỳ nghỉ, Thượng viện mới sẽ gồm 50 ghế Dân chủ, 50 ghế Cộng hòa. Đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát vì phó tổng thống khi đó sẽ là bà Kamala Harris - người của Dân chủ, giữ chức Chủ tịch Thượng viện. Với khả năng toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Dân chủ đều bỏ phiếu thuận, cần có thêm ít nhất 16 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội thì ông Trump mới bị kết tội.

Mục tiêu chặn đường ông Trump tái tranh cử?

Giới quan sát cho rằng dù Thượng viện chưa tiến hành xét xử khi Tổng thống Trump còn đương nhiệm, phe Dân chủ vẫn nỗ lực theo đuổi vụ việc đến cùng, với hy vọng chặn đường ông Trump tái tranh cử vào năm 2024.
“Ngay khi thời gian cạn, ngay khi Thượng viện không luận tội xong trước khi ông ấy kết thúc nhiệm kỳ, vẫn đáng để theo đuổi quy trình luận tội vì Thượng viện vẫn còn có thể bỏ phiếu nhằm loại bỏ tư cách tranh cử của ông ấy vào các cơ quan liên bang như quy định tại Hiến pháp”, Giáo sư luật Carolina Mala Corbin tại Đại học luật Miami nhận định.
Tuy nhiên, Giáo sư Jim Clark tại Đại học Trung tâm Florida lưu ý rằng nếu Thượng viện xử trắng án thì ông Trump có thể tái tranh cử vào năm 2024. Phía đảng Dân chủ muốn ngay khi ông Trump bị kết tội sẽ thúc Thượng viện bỏ phiếu cấm ông Trump tái tranh cử. Với cuộc bỏ phiếu này, chỉ cần quá bán sẽ được thông qua. Thực tế, ông Trump đang “mất điểm” với một số nghị sĩ Cộng hòa và phía Cộng hòa có thể muốn cứu vớt hình ảnh sau vụ bạo loạn 6.1. Tuy nhiên, theo Reuters dẫn lời các chuyên gia pháp lý, Thượng viện chỉ có thể ngăn ông Trump tái tranh cử sau khi thông qua quyết định kết tội ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.