Trong cuộc gặp Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni ở Mỹ, ông dành toàn những lời tốt đẹp cho EU, quả quyết ủng hộ EU vững mạnh và khẳng định EU vững mạnh có lợi cho Mỹ. Chỉ mới đây thôi, ông Trump còn dự báo như đinh đóng cột là EU sẽ tan rã sau khi nước Anh rời khỏi (Brexit). NATO thì từ chỗ “lỗi thời” được ông Trump coi là “rất quan trọng và là thành trì của hòa bình và ổn định”.
Trung Quốc từ bị phê phán và dọa trừng phạt thuế quan trở thành đối tác được tranh thủ. Syria từ chỗ chỉ “kính nhi viễn chi” trở thành nơi can thiệp quân sự trực tiếp. Nga được ông Trump tỏ ra thân thiện đến thế mà rồi bị làm găng. Sự thay đổi quan điểm đối với EU là mắt xích mới trong chuỗi những thay đổi bất ngờ và nhanh chóng của ông Trump.
Nguyên do có thể là ông Trump vốn thạo chuyện kinh doanh chứ không từng trải chính trị. Khi cầm quyền mới thấm thía cầm quyền khác với tranh cử, cầm quyền còn khó khăn và phức tạp hơn tranh cử và cầm quyền đòi hỏi nhận thức, cách thức và văn hóa ứng xử khác với tranh cử.
Nhưng lý do cũng rất có thể là ông Trump tỏ ra thay đổi để luôn khó hiểu và càng khó dự liệu đối với mọi đối tác. Rất có thể ông chủ ý thay đổi thất thường để luôn có được thế chủ động trong xử lý các vấn đề và quan hệ với các đối tác. Và lý do cũng rất có thể là ông Trump tạo bầu không khí thân thiện cho cuộc gặp đầu tiên với các đồng minh và đối tác quan trọng nhất lâu nay ở Hội nghị cấp cao G7 và NATO sắp tới.
Bình luận (0)