Với dự án dời đô từ Jakarta đến Nusantara, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang nỗ lực hoàn tất vào năm 2045, trong đó có hy vọng lớn là thủ đô mới sẽ trở thành trung tâm công nghệ tài chính của châu Á.
Mới đây, tổng thống đã cùng các bộ trưởng đến thăm khu rừng phía đông Kalimantan trên đảo Borneo, nơi sẽ hình thành thủ đô mới.
Ông ở lại qua đêm trong một căn nhà nhỏ tại công trường xây dựng và cho biết việc chuẩn bị đang được tiến hành cho lễ kỷ niệm Ngày độc lập Indonesia vào tháng 8.2024 tại dinh tổng thống mới.
Sau khi tái đắc cử vào năm 2019, ông Widodo công bố kế hoạch dời thủ đô, được quốc hội thông qua vào tháng 1.2022. Với một số bộ phận của chính phủ dự định sẽ di dời từ đầu năm 2024, ông công bố ý định tổ chức lễ kỷ niệm Ngày độc lập (17.8) tại dinh tổng thống mới ở Nusantara.
Indonesia dời đô, tên thủ đô mới sẽ là gì?
Hàng loạt ưu đãi
Dự định Nusantara sẽ là thành phố xanh và thông minh, sử dụng công nghệ kỹ thuật số thân thiện với môi trường.
Trong cuộc phỏng vấn với báo giới vào tháng 11.2022, ông cho biết: "Chúng tôi sẽ xây dựng một trung tâm tài chính, nhưng không giống Singapore hay Hồng Kông. Nó sẽ là một trung tâm công nghệ tài chính. Chúng tôi cũng sẽ có chính sách rất cạnh tranh để thu hút đầu tư".
Chính phủ đang cân nhắc các biện pháp thu hút các công ty công nghệ tài chính đến thủ đô mới, chẳng hạn như miễn thuế doanh nghiệp cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Ngoài ra, chính phủ đang cân nhắc kế hoạch không đánh thuế thu nhập cá nhân đến năm 2032 đối với lao động Indonesia và nước ngoài trong lĩnh vực tài chính và cắt giảm 50% vào giai đoạn sau đó.
Các ưu đãi khác theo kế hoạch bao gồm giảm thuế đối với cổ tức và thu nhập lãi. Chính phủ đang xem xét các biện pháp khác như hợp lý hóa đăng ký kinh doanh và cung cấp bảo đảm bảo mật trên dữ liệu.
Với những cải cách đó, chính phủ Indonesia hy vọng sẽ giúp thủ đô mới không chỉ trở thành trung tâm chính trị và hành chính mà còn là "trái tim" về kinh tế và tài chính.
Động lực tăng trưởng
Kế hoạch ban đầu của ông Widodo là di chuyển các chức năng chính trị và hành chính đến thủ đô mới, nhưng vẫn giữ Jakarta là trung tâm kinh tế.
Jakarta có mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên bị kẹt xe và còn bị ngập do sụt lún. Nhà lãnh đạo hy vọng việc di dời thủ đô sẽ giúp giảm gánh nặng cho Jakarta bằng cách kéo giãn dân số.
Quan điểm của ông đối với vai trò của Nusantara đã dịch chuyển dần. Chính phủ bắt đầu quy hoạch di dời dinh tổng thống, quốc hội và các bộ ngành cũng như tòa án tối cao và các cơ quan chính phủ khác đến thủ đô mới. Dường như Sàn giao dịch Chứng khoán Jakarta vẫn ở thủ đô hiện nay.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu vào tháng 8 năm ngoái, ông cho biết Nusantara sẽ không chỉ là cơ quan hành chính mà còn là nơi dành cho các doanh nhân và nhà sáng tạo.
Nhấn mạnh vai trò là động lực mới cho tăng trưởng của cả nước, ông nói rằng chính phủ sẽ tăng cường các chức năng kinh tế của Nusantara.
Ước tính dự án di dời sẽ có chi phí 30 tỉ USD, trong đó chính phủ chi 20% và phần còn lại từ lĩnh vực tư nhân cũng như các nguồn khác. Mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Một phần lý do của việc tăng cường vai trò kinh tế của Nusantara là nhằm thu hút thêm đầu tư vào dự án từ các doanh nghiệp.
Nền kinh tế số của Indonesia được Google và các bên khác dự báo sẽ tăng trưởng từ mức 77 tỉ USD vào năm ngoái lên 130 tỉ USD vào năm 2025. Tận dụng vị thế của Indonesia trong ASEAN, ông Widodo đã tập trung nhiều vào việc hướng công nghệ tài chính trở thành một phần không thể thiếu của thủ đô mới.
Những lĩnh vực phi tài chính
Chính phủ Indonesia còn thông báo các ưu đãi nhằm tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực phi tài chính ở Nusantara. Ví dụ, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ngành dịch vụ sẽ được miễn thuế doanh nghiệp trong 30 năm cho các dự án được triển khai từ năm 2022 đến 2035, và trong 25 năm cho các dự án được triển khai từ năm 2036 đến 2045. Các công ty đủ điều kiện sẽ được khấu trừ thuế 100% trong 10 năm nếu họ xây dựng trụ sở tại Nusantara hoặc di chuyển đến đó. Thuế giá trị gia tăng cũng sẽ được cắt giảm.
Cho đến nay, khoảng 90 nhà đầu tư đã cam kết đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và giáo dục, theo Cơ quan Quản lý thành phố Nusantara, cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ giám sát việc di dời. Các công ty từ Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu và các bên khác cũng tỏ ra quan tâm.
Bình luận (0)