Tổng vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đạt cao nhất trong 6 năm qua

17/10/2024 14:27 GMT+7

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, JICA Việt Nam đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới 102,2 tỉ yen, chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân, mức cao nhất trong 6 năm qua kể từ năm 2017.

Ngày 17.10, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức họp báo giữa kỳ tài khóa 2024. Trao đổi với các phóng viên, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, cho biết năm 2023 Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới vào tháng 11 và trên cơ sở đó, JICA đã nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tổng vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đạt cao nhất trong 6 năm qua- Ảnh 1.

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Sugano Yuichi tại cuộc họp báo

ẢNH: THẢO PHẠM

Trong năm tài khóa của Nhật Bản từ tháng 4.2023 đến tháng 3.2024, JICA Việt Nam đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới 102,2 tỉ yen (tương đương 678 triệu USD), chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân, mức cao nhất trong 6 năm qua kể từ năm 2017.

Hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỉ yen (tương đương 35 triệu USD), quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khóa. Viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỉ yen (tương đương 7,5 triệu USD) vốn cam kết.

"Những chương trình và dự án kể trên đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đóng góp cả về hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn", ông Sugano khẳng định.

Ông Sugano Yuichi cho biết thêm, người dân và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam, một quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững.

Nhật Bản ký kết mức vốn ODA kỷ lục cho Việt Nam

Việt Nam là nước đứng đầu trong số các nước mà JICA đang triển khai hợp tác với việc cử 45 tình nguyện viên hợp tác hải ngoại Nhật Bản, 36 dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển bền vững (SDGs), 24 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở (Chương trình đối tác phát triển).

Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới với 9 dự án thuộc chương trình "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân" của JICA, chỉ sau Brazil. Đối với từng dự án cụ thể, JICA Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột trọng điểm, gồm: tăng trưởng chất lượng cao, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương và phát triển nguồn nhân lực.

Dự án tuyến metro số 1 tại TP.HCM được nhiều người quan tâm cũng đã bắt đầu chạy thử và TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào khai thác. Ông Sugano cho biết, JICA hy vọng tuyến metro số 1 sẽ trở thành phương tiện đi lại quan trọng của người dân, góp phần giảm phát thải carbon thông qua việc giảm ùn tắc giao thông.

Xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ, tổ chức này cũng đã phối hợp với chuyên gia cao cấp - cố vấn về quản lý rủi ro thiên tai được cử sang Bộ NN-PTNT để hỗ trợ ứng phó với cơn bão Yagi đổ bộ vào khu vực phía bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Tổng vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đạt cao nhất trong 6 năm qua- Ảnh 2.

Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đã quyết định chuyển hàng viện trợ bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới tỉnh Yên Bái

ẢNH: JICA

8 ngày sau khi bão đổ bộ, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, JICA đã cung cấp hàng hóa viện trợ khẩn cấp, bao gồm máy lọc nước và tấm trải nhựa cho 2.000 hộ ở tỉnh Yên Bái, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, ông Sugano cho biết, JICA đang xây dựng kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất tại Sơn La và cân nhắc việc xây dựng kế hoạch tương tự ở các địa phương khu vực phía bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua, hướng tới mục tiêu "xây dựng lại tốt hơn" để tăng trưởng kinh tế.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất ở khu vực phía bắc, đập Sabo giúp giảm thiểu rủi ro sạt lở đất đang được xây dựng từ tháng 9 tại tỉnh Sơn La.

Chia sẻ về việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật Bản và kinh nghiệm dành cho Việt Nam, ông Sugano cho biết, trước khi xây dựng Shinkansen, Nhật Bản có hệ thống đường sắt thông thường trải dài khắp đất nước, việc chở hàng chủ yếu sử dụng đường sắt truyền thống này.

Sau đó, Nhật Bản tập trung phát triển đường bộ, việc vận chuyển hàng hóa dịch chuyển từ đường sắt sang đường bộ, thay vì vận chuyển số lượng lớn, Nhật Bản chú trọng thời gian vận chuyển nhanh nhất.

Xu hướng gần đây là Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải CO2, vì thế nước này lại chuyển sang vận chuyển đường sắt. Nhưng việc vận chuyển kết hợp nhiều yếu tố, cần thời gian thì vận chuyển bằng đường bộ và cần khối lượng thì vận chuyển đường biển, tùy mục tiêu mà kết hợp các biện pháp khác nhau.

Ông Sugano cho rằng Việt Nam có nhiều lựa chọn, có thể phát triển đường sắt cao tốc vận chuyển hành khách. Đối với hàng hóa cần tận dụng các tuyến sẵn có và kết hợp các hình thức vận chuyển khác nhau và điều này phụ thuộc chiến lược của Chính phủ, hiệu quả kinh tế, mục tiêu trung hòa carbon để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.