Báo cáo mới nhất từ bộ phận nghiên cứu của hãng McKinsey mới đây xếp hạng 10 quốc gia kết nối chặt chẽ nhất với thế giới. Singapore là nước đứng đầu.
Đảo quốc sư tử là nước kết nối chặt chẽ nhất với thế giới - Ảnh: Shutterstock |
Theo Bloomberg, kết nối là điều mà mọi người, từ các thành viên mafia cho đến những ứng cử viên nộp hồ sơ vào Ivy-League, đều hiểu rất rõ. Kết nối thực sự là yếu tố mà những nước đang phấn đấu để cải thiện cuộc sống người dân nên quan tâm, nghiên cứu dài 144 trang của bộ phận nghiên cứu thuộc hãng McKinsey cho hay.
Càng kết nối sâu rộng với thế giới, kinh tế đất nước càng tốt hơn. Kết nối không dừng lại về mặt thương mại và tài chính mà còn liên quan đến con người, chủ yếu là lượng người nhập cư đến một nước, và số lượng dữ liệu truyền qua biên giới của một quốc gia.
Cân nhắc tất cả các yếu tố trên, McKinsey Global Institute xếp hạng 139 nước trong bảng đánh giá mức độ kết nối. Đứng đầu danh sách này là Singapore, đảo quốc đã thành công trong việc trở thành trung tâm của khu vực châu Á. Hai vị trí thứ nhì và ba lần lượt thuộc về Hà Lan - trung tâm kỹ thuật số chính của châu Âu, và Mỹ - nền kinh tế số một thế giới.
Các nước liền sau top 3 là: Đức, Ireland, Anh, Trung Quốc, Pháp, Bỉ và Ả Rập Xê Út. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là quê hương của nhiều thương hiệu toàn cầu, đứng ở vị trí thấp đáng ngạc nhiên là 24, chủ yếu vì các hạn chế trong việc xuất nhập cảnh.
Top 10 nước kết nối chặt chẽ nhất với thế giới - Ảnh: Bloomberg
|
Báo cáo chỉ ra kinh tế thế giới về tổng thể hưởng lợi 7.800 tỉ USD từ dòng chảy của hàng hóa, dịch vụ, tài chính và dữ liệu qua biên giới USD vào năm 2014. “Các nước cởi mở với dòng chảy toàn cầu gia tăng GDP của họ”, chuyên gia Susan Lund thuộc McKinsey Global Institute nói.
Báo cáo cũng cho rằng các lập luận về sự kết thúc của chuyện toàn cầu hóa được đưa ra quá sớm. Dù thương mại toàn cầu đã chậm lại rõ rệt và các dòng vốn thì đi xuống sau khi đạt đỉnh 12.000 tỉ USD năm 2007 - trước thời điểm khủng hoảng tài chính, sự kết nối vẫn bùng nổ qua việc truyền tải dữ liệu trên thế giới.
Lượng dữ liệu đi xuyên biên giới tăng vọt từ năm 2005 đến năm 2015 - Ảnh: Bloomberg
|
Một nửa số người dùng Facebook đã có ít nhất một người bạn ngoại quốc trong năm 2015, tăng từ mức 16% trong năm 2012.
Không chỉ dừng lại ở chuyện trao đổi tin nhắn riêng tư, Facebook còn ước tính có khoảng 50 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn tại trên nền tảng này, gần gấp đôi con số doanh nghiệp xuất hiện trên Facebook hồi năm 2013. Trung bình, 30% người dùng theo dõi các doanh nghiệp này đến từ nước ngoài.
“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới và hoàn toàn khác của toàn cầu hóa, và yếu tố xác định ở đây là dòng dữ liệu và kỹ thuật số”, cô Lund kết luận.
Bình luận (0)