Top 12 thế giới về người dùng internet, nhưng chỉ 4% người Việt ‘làm giấy tờ’ online

04/09/2019 16:00 GMT+7

Tỷ lệ người biết đến dịch vụ công trực tuyến và chủ động “làm giấy tờ” qua mạng rất thấp, dù có tới 94% người dùng internet Việt Nam truy cập mạng hằng ngày.

Cư dân mạng dành gần 13 tiếng xem nội dung trên internet

Báo cáo Digital 2019 đã chỉ ra nhiều đặc điểm về hành vi sử dụng internet của người Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của We Are Social và Hootsuite, tỷ lệ sử dụng internet ở Việt Nam là 66% (khoảng 64 triệu người), cao hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (63%). Việt Nam vẫn là quốc gia có số lượng người dùng internet đứng thứ 12 thế giới và đứng thứ 6 ở khu vực châu Á.
Đáng chú ý, có tới 94% người dùng internet Việt Nam truy cập mạng hằng ngày. Mỗi ngày như vậy, họ tiêu tốn trung bình 6g42 để sử dụng internet, 2g32 cho mạng xã hội, 2g31 dành để xem truyền hình trực tuyến và video theo nhu cầu và 1g11 nữa cho nghe nhạc trực tuyến. Tổng thời gian cho những hoạt động trên là 12 tiếng 56 phút.
 Thời gian trung bình hàng ngày dành cho việc tiêu thụ và tương tác với phương tiện truyền thông của người sử dụng internet ở Việt Nam

Thời gian trung bình hàng ngày dành cho việc tiêu thụ và tương tác với phương tiện truyền thông của người sử dụng internet ở Việt Nam

Những nội dung trực tuyến được ưa chuộng là video (99% người dùng internet), TV (55%), game (53%), livestreams của người chơi game (32%), các giải thể thao điện tử e-sports (29%). Google.com tiếp tục là website được truy cập nhiều nhất Việt Nam. Từ khóa tìm kiếm phổ biến trên công cụ này là “phim”, “XSMB”, “XSMN”.

… nhưng rất ít người biết làm thủ tục hành chính qua mạng

Số người dùng internet ở Việt Nam ngày càng gia tăng cũng là điều được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ghi nhận. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người Việt Nam tương tác với chính quyền thông qua internet và biết “làm giấy tờ” trực tuyến.
Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2018, chưa tới 4% người được hỏi cho biết họ có tiếp cận cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Tỷ lệ tìm hiểu thủ tục chứng thực, xác nhận qua cổng thông tin điện tử chỉ tăng từ 2,10% (năm 2016) lên 2,56% (năm 2017) và đạt 3,97% (năm 2018). Đối với tìm hiểu thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ sử dụng cổng thông tin điện tử chỉ đạt 1,53%. Đối với thủ tục cấp phép xây dựng, chỉ 0,93% người dân trả lời rằng có tìm hiểu trên cổng thông tin điện tử của chính quyền.
Tỷ lệ người sử dụng cổng thông tin điện tử khi “làm giấy tờ” vẫn rất thấp, dù đã tăng nhẹ so với năm trước đó. Nguồn dữ liệu: PAPI 2018

Tỷ lệ người sử dụng cổng thông tin điện tử khi “làm giấy tờ” vẫn rất thấp, dù đã tăng nhẹ so với năm trước đó. Nguồn dữ liệu: PAPI 2018

Những con số trên được nhóm nghiên cứu PAPI 2018 đánh giá là chưa tương xứng với tốc độ gia tăng số lượng người dùng internet. Bởi lẽ, có tới 53% số người được hỏi cho biết họ có internet tại nhà (tăng 15% so với năm 2017). 38% số người khảo sát nói rằng kênh thông tin thời sự chính của họ là qua internet (tăng 10% so với năm 2017).
Như vậy, số người sử dụng cổng thông tin điện tử và một cửa điện tử của chính quyền thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam, xét về mức tăng cũng có khoảng cách xa.

Cung cấp dịch vụ “làm giấy tờ” đến từng chiếc điện thoại là một giải pháp?

1,93-4,24 điểm (thang điểm 1-10) là khoảng dao động điểm chỉ số nội dung “Quản trị điện tử” của các địa phương - theo Báo cáo PAPI 2018. Điều đó cho thấy việc sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương để tìm hiểu quy trình, thủ tục hành chính còn rất hạn chế. Dù rằng, các địa phương đã tập trung xây dựng cổng thông tin điện tử đến các cấp ít nhất là từ năm 2011, khi Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được đưa vào triển khai.
Nội dung “sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” chỉ mới nhỉnh hơn số điểm tối thiểu. Nguồn dữ liệu: PAPI 2018

Nội dung “sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” chỉ mới nhỉnh hơn số điểm tối thiểu. Nguồn dữ liệu: PAPI 2018

Đà Nẵng đang là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số Quản trị điện tử, với kết quả 4,24/10 điểm. Điểm nội dung thành phần “Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” là 0,77/5 điểm; Điểm nội dung “Tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương” là 3,47/5 điểm.
TP.HCM đứng thứ hai với 3,99/10 điểm. Trong đó, nội dung “Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” đạt 0,62/5 điểm, nội dung “Tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương” đạt 3,37/5 điểm.
Thống kê đến hết tháng 2.2019 của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TP.HCM cho thấy, 41% số hồ sơ được nộp trực tuyến (413.00/1.000.850 hồ sơ). Tuy vậy, khảo sát của Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lại tiết lộ nhiều vấn đề ở con số này. Tỷ lệ nộp hồ sơ hộ tịch trực tuyến mức độ 3 tại một phường đạt 36%, 1/3 trong đó được thực hiện bởi người dân, số hồ sơ còn lại do người dân tới tận phường nhờ cán bộ nhập giúp. Đại diện Mặt trận Tổ quốc cho rằng, không hẳn người dân thành phố thờ ơ mà do việc thao tác trên máy tính quá khó với nhiều người.
Giao diện website http://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn của TP.HCM được đại diện MTTQVN TP.HCM đánh giá là chưa dễ sử dụng với nhiều người

Giao diện website http://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn của TP.HCM được đại diện MTTQVN TP.HCM đánh giá là chưa dễ sử dụng với nhiều người

Một cách làm khác đang được triển khai là cung cấp các dịch vụ hành chính công qua ứng dụng điện thoại. Người dân có thể nhập thông tin hồ sơ bằng điện thoại thông minh và cũng dùng chính chiếc điện thoại này để chụp hình các tài liệu cần thiết. Ưu điểm của cách này so với thực hiện qua website là không yêu cầu người dân phải có máy scan (máy quét) để chuyển tài liệu giấy trở thành dạng kỹ thuật số, giao diện ứng dụng được giản lược để dễ thao tác.
Hầu hết các quận, huyện ở TP.HCM đều đã tự xây dựng một ứng dụng điện thoại để cung cấp dịch vụ đến nhân dân. Người dân cũng có thể gửi ý kiến phản ánh bằng cách chụp ảnh tình hình an ninh trật tự tại nơi sinh sống và nhắn tin thông qua ứng dụng. Giải pháp này mang đến thuận lợi cho cư dân trong khu vực, nhưng đối với những người cư trú không thường xuyên thì chưa thực sự phù hợp. Họ sẽ phải tìm và cài đặt nhiều ứng dụng, rồi sau đó cần chọn đúng ứng dụng phù hợp để gửi phản ánh đến đúng chính quyền địa phương.
Từ trái sang phải: TP.HCM và tình trạng “mỗi quận, huyện một ứng dụng”; giao diện ứng dụng tư vấn thủ tục Quận 12; Tin nhắn thông báo kỳ họp thường kỳ tháng 8.2019 được Cổng thông tin Chính phủ gửi qua Zalo. Ảnh chụp màn hình.

Từ trái sang phải: TP.HCM và tình trạng “mỗi quận, huyện một ứng dụng”; giao diện ứng dụng tư vấn thủ tục Quận 12; Tin nhắn thông báo kỳ họp thường kỳ tháng 8.2019 được Cổng thông tin Chính phủ gửi qua Zalo. Ảnh chụp màn hình.

Đối với Quận 12, chính quyền chọn ứng dụng IURA làm nền tảng tư vấn thủ tục hành chính công với nhân dân. Cũng không tự làm ứng dụng như Quận 12, chính quyền Quận 3 lựa chọn Zalo là kênh tương tác với nhân dân, nhằm tận dụng được số lượng người dùng lớn và thường xuyên của ứng dụng.
Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Phước là các địa phương có điểm số Quản trị điện tử dẫn đầu, cũng đang triển khai dịch vụ hành chính công tương tự qua Zalo. Lấy ví dụ về Cổng thông tin dịch vụ “Tổng đài 1022 Đà Nẵng”, tài khoản này trên Zalo cung cấp từ dịch vụ tra cứu thông tin xe buýt, cơ sở y tế,… đến “làm giấy tờ”, hoàn thiện hồ sơ.
Cũng cần chú ý rằng, các sở ngành tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có website một cửa điện tử, phục vụ người dân làm giấy tờ trực tuyến. Ứng dụng điện thoại chỉ là một kênh tiếp cận để người dân tiện sử dụng. Tính năng nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên ứng dụng điện thoại sẽ kết nối với website một cửa điện tử. Việc ghi danh, địa chỉ, đính kèm hình ảnh giấy tờ,… đều thực hiện trên website Cổng hành hính công. Ứng dụng điện thoại là một tùy chọn về cách thức truy cập website, không phải là cách thức duy nhất để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tìm và hỏi cán bộ “quen” vẫn là kênh thông tin chính sách chủ yếu. Nguồn dữ liệu: PAPI 2018

Tìm và hỏi cán bộ “quen” vẫn là kênh thông tin chính sách chủ yếu. Nguồn dữ liệu: PAPI 2018

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ngân sách nhà nước chi trên 6.000 tỉ đồng mỗi năm cho phát triển chính phủ điện tử (giai đoạn 2015-2017). Sự cần thiết của chính phủ điện tử và quản trị điện tử cũng được coi là một trong những ưu tiên của quốc gia trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và 10 năm sau khi Chính phủ quyết tâm đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước theo tinh thần của Nghị định 102/2009.
Nhưng chắc chắn, số tiền này sẽ không có hiệu quả trọn vẹn nếu tỷ lệ người dân tiếp cận website của chính quyền chỉ đạt 4%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.