Theo Bloomberg, một trong các sân bay góp phần đẩy Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ra khỏi top 20 là Sân bay Quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi (Ấn Độ). Đây là năm đầu tiên sân bay này lọt top nhưng đã leo lên được hạng 16. Danh sách 20 sân bay bận rộn nhất thế giới do Hiệp hội Sân bay Quốc tế công bố hôm nay 9.4.
Sân bay Quốc tế Indira Gandhi cũng là cái tên phát triển nhanh nhất trong danh sách này với mức tăng hành khách là 14%. Sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) thì có mức tăng hành khách 10%, lên vị trí thứ 13.
Trung tâm hàng không thế giới đang ngày càng dịch chuyển về phía đông. Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo sẽ lọt top ba thị trường hàng không hàng đầu thế giới vào năm 2020 nhờ thu nhập gia tăng khiến giá vé máy bay ngày càng phải chăng hơn. Châu Á - Thái Bình Dương có thể đón 3,5 tỉ hành khách hàng không đến năm 2036, gấp đôi lượng khách của Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu này, khoảng một nửa trong số 1.000 tỉ USD dành cho việc mở rộng, nâng cấp sân bay toàn cầu được dự báo tập trung ở châu Á, Trung tâm Hàng không CAPA ước tính.
|
Nỗ lực của các hãng bay Trung Quốc trong việc bổ sung tuyến bay thẳng đến Mỹ, châu Âu giúp tăng lượng hành khách đi máy bay trong năm qua. Nhu cầu du lịch ở Trung quốc sẽ tăng thêm 3 tỉ hành khách nữa đến năm 2040, chiếm 21% tăng trưởng lưu lượng hành khách toàn cầu.
Top 10 sân bay bận rộn nhất thế giới lần lượt là: Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta (Mỹ), Sân bay Quốc tế thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Sân bay Quốc tế Dubai (UAE), Sân bay Quốc tế Tokyo Haneda (Nhật Bản), Sân bay Quốc tế Los Angeles (Mỹ), Sân bay Quốc tế O’Hare (Mỹ), Sân bay Heathrow (Anh), Sân bay Quốc tế Hồng Kông, Sân bay Quốc tế Phố Đông-Thượng Hải (Trung Quốc), Sân bay Paris-Charles de Gaulle (Pháp). Ba sân bay đứng đầu danh sách lần lượt đón 103,9 triệu, 95,7 triệu và 88,2 triệu hành khách trong năm 2017.
Dù vẫn bận rộn nhất thế giới nhưng Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta là sân bay duy nhất trong top 20 có lưu lượng hành khách giảm trong năm qua.
Ở Trung Quốc, Sân bay Thiên Tân tăng thêm 25% số hành khách, Nam Kinh tăng 15,5% số hành khách vào năm ngoái. Ở Ấn Độ, lưu lượng hành khách ở các sân bay như Kolkata, Hyderabad đều tăng trên 20% trong năm qua. Dubai là sân bay đón nhiều hành khách quốc tế nhất, sau đó là Heathrow của London và sân bay Hồng Kông.
Bình luận (0)