Phim Blade Runner 2049
Tiếp nối phần đầu ra mắt năm 1982, Blade Runner 2049 chạm đến những vấn đề vĩ mô của thời đại: đánh mất nhân bản, nỗi sợ trí tuệ nhân tạo và sự suy tàn của nền văn minh.
Blade Runner không xoay quanh con người, mà là chuyện về những Replicant (người nhân bản) được khắc họa còn nhiều nhân tính hơn cả con người. Trong thế giới của Blade Runner, con người hiện lên hết sức nhợt nhạt, vô cảm, trái lại, Replicant lại là những cá thể sống động biết yêu, biết đau đớn, biết suy tư và cũng sợ hãi khi đối mặt cái chết.
Trong đoạn độc thoại nổi tiếng bậc nhất lịch sử điện ảnh, Replicant Roy Batty (do Rutger Hauer thủ vai) đã ra tay cứu sống sĩ quan Rick Deckard và tự chiêm nghiệm cuộc đời hắn vào phút lâm chung: "Tất cả rồi sẽ tan biến như nước mắt trong mưa". Những lời thống thiết kia cho thấy hắn biết rung động trước cái đẹp, trên hết còn nhận ra sự vô thường của cuộc đời. Ở hắn tồn tại cả ba thứ: lòng trắc ẩn, suy tư triết học và tình yêu cái đẹp - không phải là những biểu hiện cao nhất của con người đó sao?
Đến lượt Replicant K (Ryan Gosling) thì thế nào? Thuộc đời mới Nexus 8, thoạt đầu anh sống cuộc đời nghiêm chỉnh của một Replicant biết nghe lời, nhưng rồi anh cũng nổi loạn. Động thái nổi loạn đầu tiên đối với một Replicant là khi anh bắt đầu có ý thức về bản thân, truy vấn về những giá trị đã tạo nên mình. Giá trị ở đây, trong thế giới Blade Runner, chính là ký ức. Ký ức là minh chứng cho sự tồn tại của một con người và khiến Replicant gần giống người hơn cả. Nhưng sẽ như thế nào nếu ngay cả ký ức cũng có thể bị làm giả? Làm sao để phân biệt giữa một Replicant và một con người thực sự nếu cả hai đều có ký ức sống động như nhau?
Nếu như Blade Runner năm 1982 chỉ nêu câu hỏi, thì Blade Runner 2049 lại không mang sứ mệnh đưa ra đáp án, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi rối trí hơn cho người xem. Đạo diễn Denis Villeneuve cũng rất cố gắng tái hiện những cảnh quay quen thuộc và những chi tiết ẩn dụ từ phần đầu để đưa vào tác phẩm của mình.
Năm nay, Ghost in the Shell cũng theo đuổi chủ đề tương tự: người máy và ký ức giả. Nhưng Blade Runner 2049 cao tay hơn hẳn khi đặt ký ức trở thành vấn đề trung tâm dẫn đến những mâu thuẫn chính trong câu chuyện. Ký ức gieo cho K hy vọng trở thành một cá thể đặc biệt, làm anh dấn thân hành động, nhưng cũng chính ký ức khiến anh tạo phản và lần đầu trải nghiệm cảm giác khổ đau. Nhiều nhà văn đoạt giải Nobel văn chương gần đây như Patrick Modiano hay Kazuo Ishiguro cũng miệt mài với những hoài nghi về tính chân thật ký ức và tưởng tượng, từ đó luôn đau đáu truy vấn bản thể của mình.
Tiếc thay, mặc cho tất cả tham vọng vươn đến một tầm cao mới bằng cách luận bàn những vấn đề hóc búa, Blade Runner 2049 chỉ dừng lại ở mức tốt chứ không thể là kiệt tác. Cần đánh giá công tâm rằng Blade Runner 2049 không bị lép vế khi đặt cạnh bản phim 1982, mà có những đột phá vượt khỏi cái bóng của đàn anh đi trước. Tuy nhiên bộ phim lại thất bại trong việc khơi gợi mỹ cảm từ phía người xem.
Blade Runner bản 1982 có thể chưa đủ thuyết phục đối với tất cả fan cứng của thể loại sci-fi, nhưng khó mà phủ nhận bộ phim có những cảnh rất đẹp và độc đáo. Ai đã từng rùng mình khi nghe bản blue da diết của Vangelis cất lên giữa cơn mưa ảm đạm tại một Los Angeles hoang tàn? Ai đã trầm trồ với những thước phim siêu thực về căn phòng búp bê của thợ làm đồ chơi J.F.Sebastian? Ai ngất ngây trước vẻ đẹp như mộng của Replicant cao cấp Rachael? Ai còn nhớ chú kỳ lân trắng huyền hoặc phi qua giấc mơ của Deckard trong lãng đãng sương khói?
Tất cả những chi tiết duy mỹ như vậy sẽ không thể tìm thấy ở Blade Runner 2049. Với thời lượng gần 3 tiếng, đạo diễn Denis Villeneuve dường như quá bận rộn để xử lý hết nội dung phim vốn rất dày dặn (trước đó ông còn tung ra hai đoạn phim ngắn riêng lẻ để phác họa cho người xem những sự kiện xảy ra trước Blade Runner 2049). Có cảm tưởng bộ phim đang gồng mình gánh trên vai một trọng trách quá lớn nên không có chỗ cho những khung hình đầy cảm hứng chen vào.
Hình ảnh của phim, dù được hỗ trợ kỹ xảo rất nhiều so với chục năm trước, nhưng vẫn không có gì đặc sắc hơn những phim sci-fi nhan nhản hiện nay, thiếu hẳn dấu ấn riêng biệt. Cách triển khai câu chuyện nhiều lúc đờ đẫn, nhàm chán, dàn trải, đến 3/4 thời lượng bộ phim đã khá đuối. Diễn xuất của Ryan Gosling vẫn ở mức an toàn, vì vậy không có cảnh phim để đời như Rutger Hauer ngày nào.
Thế nhưng cũng không nên quá khắt khe với Blade Runner 2049. Suy cho cùng, bộ phim cố gắng "phục sinh" lại thể loại neo-noir đã "thất sủng" tại Hollywood cả thập niên qua, cũng như cho thấy bước đi táo bạo kế tiếp của Denis Villeneuve kể từ sau Arrival khi tận dụng thể loại sci-fi để chạm đến những vấn đề vĩ mô. Đến thời điểm hiện tại, Blade Runner 2049 được chấm 8,5/10 trên IMDb và 88% trên Rotten Tomatoes.
Bình luận (0)