Toyota tham vọng đưa xe tự hành 6 bánh lên Mặt trăng
13/03/2019 08:43 GMT+7
Nhà sản xuất ô tô Toyota Motor đang tìm kiếm công nghệ mới nhằm phát triển phương tiện thăm dò có thể chở người được thiết kế để đi lại trên Mặt trăng.
Tự động phát
Theo Bloomberg, hãng xe lớn nhất Nhật Bản vừa hợp tác với Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để chế tạo phương tiện thăm dò tự hành (rover), có sáu bánh. Hai bên đặt mục tiêu hạ cánh phương tiện này lên Mặt trăng vào năm 2029. Thông báo của Toyota và cơ quan vũ trụ Nhật Bản được đưa ra một tuần sau khi hãng không gian SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk có tàu vũ trụ “cập cảng” thành công tại Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
Công nghệ pin nhiên liệu của Toyota sẽ cung cấp năng lượng cho rover, phương tiện đủ lớn và mạnh để chở hai phi hành gia đi trong 10.000 km. Phó chủ tịch Toyota Shigeki Terashi cho hay phi hành gia di chuyển trên phương tiện có thể cởi bộ đồ phi hành gia của mình và sống trong chiếc rover khi thực hiện nhiệm vụ trên Mặt trăng.
“Đây là dự án cực kỳ khó khăn. Chúng tôi rất hy vọng vào công nghệ của Toyota”, phi hành gia Koichi Wakata, người từng bay trên tàu con thoi của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và là chỉ huy người Nhật Bản đầu tiên trên ISS, cho biết.
Nhiều năm qua, Toyota chế tạo robot được thiết kế để làm nhiều nhiệm vụ như giúp việc nhà hoặc hỗ trợ người gặp khó trong việc đi lại. Giờ đây, hãng sử dụng công nghệ để chinh phục tiếp không gian. Với kích thước tương đương hai chiếc xe buýt mini, rover mặt trăng Toyota-JAXA sẽ dài sáu mét với không gian để ở rộng khoảng 13 mét vuông.
Rover sử dụng tấm năng lượng mặt trời và pin nhiên liệu để tạo và lưu trữ năng lượng. Nó được lên kế hoạch hạ cánh trên Mặt trăng trước khi một đoàn thám hiểm con người đặt chân lên đó. Rover được dự kiến dùng trong bốn khu vực thăm dò khác, vì thế nó sẽ phải tự di chuyển để đến gặp phi hành gia.
|
Thông báo từ Toyota cũng được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc tăng tốc tham vọng không gian nhờ ngân sách thường niên 8 tỉ USD. Mức ngân sách này chỉ thua Mỹ. Ngoài đợt đổ bộ lần đầu lên vùng tối của Mặt trăng hồi tháng 1, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng có ý định làm trạm năng lượng mặt trời trong không gian, và thực hiện thăm dò sao Hỏa trước khi thập kỷ này kết thúc.
Bình luận (0)