Hiện nay, thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, hoặc doanh nghiệp tuyển nhân sự phải bỏ thêm chi phí ra để đào tạo trước khi sử dụng là một sự lãng phí đối với cả sinh viên và các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Câu trả lời có lẽ không ai còn xa lạ: Gắn kết chặt chẽ đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Sự gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan trên tinh thần nguyên lý giáo dục nghề nghiệp: “Học đi đôi với hành, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất, đào tạo của nhà trường gắn liền với giáo dục của gia đình và giáo dục của xã hội”; thực hiện phương châm: “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần, không phải đào tạo cái nhà trường có”.
|
Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc hợp tác với các trường đại học, cao đẳng dạy nghề nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chính là Công ty Ô tô Toyota Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2000, Toyota Việt Nam triển khai Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota (viết tắt là T-TEP) với mục tiêu hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng đào tạo kỹ thuật, dạy nghề chuyên ngành ô tô nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, kỹ thuật viên lành nghề. Các học viên tham gia chương trình có cơ hội được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của Toyota trên toàn quốc, cũng như đóng góp nguồn nhân lực dồi dào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Năm nay, Toyota Việt Nam sẽ cùng với trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (Đà Nẵng) và Cao đẳng cơ điện Hà Nội cơ sở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thiết lập và vận hành 2 Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Toyota (T-TEP), cải tạo cơ sở vật chất, trang bị mới nhiều thiết bị, dụng cụ hiện đại chuyên dụng của Toyota để nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề về kỹ thuật sửa chữa ô tô.
|
Trong gói hỗ trợ lần này, Toyota Việt Nam sẽ chuyển giao tới Trung tâm T-TEP của 2 trường gói hỗ trợ đầy đủ cho 2 chuyên ngành: Kỹ thuật Sửa chữa Chung (GJ) và Kỹ thuật Sửa chữa Thân xe và Sơn (BP) với tổng giá trị là 160.000 đô la Mỹ. Gói hỗ trợ bao gồm xe và cụm chi tiết như 2 xe ô tô Corolla Altis và Vios (đã qua sử dụng), 2 bộ thân xe Corolla Altis và Vios, 6 động cơ Vios, 4 hộp số Corolla Altis và Fortuner, 10 bộ cánh cửa, tai xe và các bộ học cụ đặc biệt như mô hình cắt hộp số, bảng thực hành điện, các chi tiết cắt về điện ô tô,… Cùng với đó là các bộ dụng cụ sửa chữa chuyên dụng của Toyota, dụng cụ đo và các trang thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa Thân xe và Sơn để học viên có thể thực hành tất cả kỹ năng của kỹ thuật viên sửa chữa ô tô, đặc biệt là xe Toyota.
|
Ngoài các trang thiết bị và học cụ nói trên, Toyota Việt Nam còn cung cấp các bộ giáo trình về đào tạo Sửa chữa chung; bộ giáo trình đào tạo Sửa chữa Thân xe và Sơn Toyota. Đồng thời, Toyota Việt Nam cũng cung cấp các khóa đào tạo cập nhật và tập huấn để giảng viên nhà trường có đủ khả năng sử dụng, vận hành hiệu quả gói tài trợ và đào tạo cho sinh viên nghề sửa chữa ô tô, đáp ứng những tiêu chuẩn toàn cầu của Tập đoàn Toyota.
Đại diện từ các trường cũng đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của Toyota Việt Nam trong thời gian qua. Đại diện trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là cơ hội trải nghiệm chương trình đào tạo được xây dựng chuyên nghiệp, với đội ngũ giảng viên, kỹ sư giỏi, giàu kinh nghiệm và máy móc thiết bị thực hành hiện đại, sát với môi trường thực tế của Toyota. Đặc biệt, chúng tôi cho rằng, được thực tập thực tế tại các đại lý của hãng, học viên tốt nghiệp khóa học sẽ có kỹ năng nghề cao, có thái độ làm việc tốt, sẽ làm hài lòng các nhà tuyển dụng khó tính nhất. Từ đó, đem lại sự thành công trước tiên là cho bản thân học viên và sau đó là cống hiến cho hãng Toyota, cho thị trường lao động một năng suất lao động vượt trội hơn trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0”.
Sự hỗ trợ của Toyota Việt Nam trong các chương trình đào tạo kỹ thuật cho các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đang mang lại những tín hiệu tích cực cho chất lượng nguồn nhân lực nước ta, thể hiện đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Sau 20 năm triển khai chương trình, đã có gần 3.000 sinh viên được đào tạo và sử dụng trang thiết bị tiên tiến, 708 sinh viên của Chương trình đã được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý Toyota. Ngoài ra, Toyota Việt Nam còn đào tạo, cập nhật kiến thức và kỹ năng sửa chữa tới hàng trăm giảng viên các trường, cũng như bố trí thực tập cho hàng ngàn sinh viên học nghề tại trung tâm T-TEP.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Toyota Việt Nam vẫn bền bỉ duy trì các hoạt động đóng góp xã hội. Như một người gieo mầm thầm lặng, công ty luôn hướng tới mục tiêu hỗ trợ nhiều hơn nữa công tác đào tạo chuyên ngành ô tô, mang tới điều kiện học tập và thực hành tốt cho sinh viên, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp ô tô và toàn xã hội.
Bình luận (0)