Phụ huynh cần biết gì khi theo dõi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ?

An Dy
An Dy
01/11/2021 15:48 GMT+7

Ngày 1.11, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng chia sẻ các khuyến cáo cần thiết đến phụ huynh và người giám hộ, trước thời điểm triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi.

Cụ thể, trong 4 ngày từ ngày 2 - 5.11, TP.Đà Nẵng triển khai tiêm 1 liều vắc xin Covid-19 cho trẻ nhóm tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi, với loại vắc xin Pfizer.

Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Phụ sản Nhi đã có những khuyến cáo cho phụ huynh và người giám hộ trước khi đưa trẻ đi tiêm.

Trước hết là nhóm triệu chứng hay gặp sau khi tiêm vắc xin Covid-19 như sốt, sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm, đau đầu, đau mỏi cơ, ớn lạnh. Các triệu chứng này thường giảm và hết sau 1-3 ngày.

Trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm chủng

An Dy

Cụ thể, đối với triệu chứng sốt, cần theo dõi thân nhiệt trẻ liên tục, nếu sốt trên 38,5 độ C thì sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol 500mg/lần cách nhau 4-6 tiếng); không đắp bất cứ thứ gì vào chỗ tiêm đang sưng, đỏ và đau.
Ngoài ra, cần theo dõi các triệu chứng như đau đầu, đau mỏi cơ, ớn lạnh và bổ sung đủ nước. Có thể bổ sung nước cam, chanh, nước ép trái cây để tăng cường vitamin C, A.

Chuyên gia khẳng định vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em không gây vô sinh

Lưu ý nhóm triệu chứng bất thường

Khi xuất hiện nhóm triệu chứng bất thường ở miệng, cụ thể là tê quanh môi, lưỡi hay bất thường ở đường tiêu hóa (như ăn uống kém, nôn mửa, bỏ bữa, tiêu chảy, đau quặn bụng), triệu chứng ở da (như phát ban trên da, mẩn đỏ, đỏ vùng da hoặc da nổi vân tím, chi lạnh, nhợt nhạt...), trẻ cần được hỗ trợ y tế tại các cơ sở y tế gần nhất.

Nhóm triệu chứng nặng hơn nữa nên được theo dõi y tế là các triệu chứng đường hô hấp như thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho... hay triệu chứng ở họng như ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc. Một số triệu chứng nặng khác như: Chóng mắt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, kích thích, mệt lả; triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh như co giật, đau đầu dữ dội, dai dẳng, mắt nhìn mờ, hoa mắt, có dấu hiệu thần kinh khu trú. Cả các triệu chứng liên quan đến thần kinh thực vật như rối loạn tiêu hóa, vã mồ hôi... cũng không được bỏ qua.

“Với nhóm các triệu chứng bất thường và hiếm gặp như triệu chứng miệng, hô hấp, tiêu hóa da, thần kinh..., trẻ cần được đưa đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử lý kịp thời. Cần gọi ngay cấp cứu 115 khi xuất hiện các triệu chứng nặng như triệu chứng đường hô hấp hoặc toàn thân”, TS-BS Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng, khuyến cáo.

Theo dõi 27 ngày sau tiêm

Khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19, phụ huynh hoặc người giám hộ cần chuẩn bị sẵn thông tin về bệnh lý của trẻ, các loại thuốc trẻ đang sử dụng, tiền sử dị ứng đối với thuốc, thức ăn nếu có.

Ngoài ra, theo các bác sĩ phụ trách hoạt động tiêm chủng tại BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng, trước khi đi tiêm chủng, trẻ cần ăn uống đầy đủ, không được nhịn bữa, bỏ bữa, không uống các loại nước có chứa caffeine, kích thích như trà, cà phê, nước tăng lực...

Kinh nghiệm khi đưa trẻ đi tiêm chủng thì trẻ nên được mặc áo ngắn tay có thể vén lộ bắp tay, nên mang chai nước uống cá nhân. Trẻ phải có bố, mẹ hoặc người giám hộ đi kèm để ký giấy xác nhận đồng ý tiêm chủng.

Mỗi học sinh chỉ có 1 người nhà đi cùng đến điểm tiêm và luôn tuân thủ 5K, không tiếp xúc gần với người khác trong thời gian đi tiêm vắc xin. “Trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm, trẻ nên có người theo dõi, hỗ trợ 24/24, tránh chạy nhảy, vận động mạnh. Và thời gian tự theo dõi là 27 ngày sau tiêm, đặc biệt là 7 ngày đầu”, TS-BS Trần Thị Hoàng lưu ý thêm.

Bác sĩ Mỹ nói gì về tin đồn vắc xin Covid-19 gây vô sinh, ảnh hưởng đến tuổi dậy thì?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.