Những năm qua, bệnh viện (BV) và trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện trên địa bàn TP.HCM do Sở Y tế phụ trách về chuyên môn; nhưng về nhân sự, tổ chức hành chính thì do UBND quận, huyện quản lý.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 51 năm 2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 509 ngày 11.2.2019 về phê quyệt đề án tổ chức lại BV, TTYT trực thuộc quận, huyện thành TTYT quận, huyện trực thuộc Sở Y tế quản lý cả nhân sự và tổ chức hành chính. Trong đó, có 4 quận, huyện phải sáp nhập BV và TTYT thành TTYT đa năng là Q.3, Q.5, Q.10 và H.Cần Giờ; 20 quận, huyện còn lại tồn tại song song BV và TTYT.
Tính đến thời điểm này, có BV 19 quận, huyện đã chuyển giao về Sở Y tế; còn 5 quận, huyện chưa chuyển giao vì đang trình dự thảo hoặc đang sắp xếp, gồm Q.1, Q.4, Q.7, Q.Bình Thạnh, H.Hóc Môn.
Lo về đầu tư
Liên quan vấn đề chuyển giao, lãnh đạo BV H.Củ Chi cho biết hiện tại mỗi ngày BV khám cho khoảng 1.200 bệnh nhân ngoại trú và 250 bệnh nhân nội trú. Về kỹ thuật cao, BV đã thực hiện được mổ chấn thương chỉnh hình, cột sống, mắt, ngoại tổng quát...
“Khi về trực thuộc Sở Y tế thì người dân sẽ tín nhiệm hơn về chuyên môn, vì là BV thuộc Sở chứ không còn trực thuộc quận, huyện, và BV cũng được sự chỉ đạo sâu sát chuyên môn hơn nữa. Tuy nhiên, trong đầu tư xây dựng, các BV quận, huyện trước đây rất được UBND quận, huyện quan tâm trong đầu tư kịp thời trang thiết bị, cơ sở vật chất. Còn nếu về trực thuộc Sở thì vốn ngân sách phải được phân bổ, nhưng cái được là số vốn sẽ nhiều hơn, nhưng cũng lo là thủ tục có thể sẽ lâu hơn”, vị này chia sẻ.
Phải cải tiến chất lượng phục vụ người dânTheo PGS-TS Tăng Chí Thượng, BV quận, huyện thuộc UBND quận, huyện hay thuộc Sở Y tế thì đều phải cải tiến chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn, đó là nhiệm vụ cốt lõi. Về phía ngành y tế, trước đây BV quận, huyện nào thì quận, huyện lo nhân lực, Sở có thể điều phối được nhưng có khó khăn. Còn hiện nay thuộc Sở thì Sở sẽ điều phối, điều động nhân lực từ chuyên môn đến quản lý từ quận này qua quận khác, và điều này sắp tới là bình thường. Tuy nhiên, dù BV thuộc Sở nhưng Sở cũng phải có cơ chế phối hợp quản lý với các quận, huyện có BV đóng trên địa bàn. Tuy nhiên, bộ máy quản lý nhân sự của Sở Y tế sẽ tăng lên nhiều để quản lý thêm nhân sự BV 24 quận, huyện với khoảng hơn 13.000 y bác sĩ, nhân viên.
|
Đang hoàn thành các thủ tục chuyển BV về Sở Y tế, bác sĩ Lê Hoàng Quí, Phó giám đốc BV Q.Bình Thạnh, khẳng định đây là cơ hội thúc đẩy BV phát triển chuyên môn, không chỉ trong khám chữa bệnh, phê duyệt danh mục kỹ thuật, cấp chứng chỉ hành nghề mà còn giúp nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh...
Chủ động nâng tầm bệnh viện
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay đây là việc chuyển đổi cơ quan quản lý trực tiếp. Về kinh phí hoạt động, những BV quận, huyện nào đã tự chủ tài chính thì vẫn tiếp tục tự chủ, những BV nào nhận một phần kinh phí từ ngân sách thì vẫn tiếp tục nhận. “Tuy nhiên, trước đây, BV trực thuộc quận có gì khó khăn thì đề xuất quận, và vì quận chỉ có một BV duy nhất nên ưu tiên giải quyết ngay. Còn hiện các BV lo là khi hàng chục BV về trực thuộc Sở nên cách giải quyết tức thì có thể khó đáp ứng được cho từng BV”, ông Thượng nói.
Theo ông Thượng, một số BV còn khó khăn trong phát triển chuyên khoa, và Sở Y tế TP.HCM cũng có giải pháp là sẽ hỗ trợ toàn diện, kể cả y tế kỹ thuật cao cho các BV này. Theo đó, BV H.Bình Chánh được BV Nhân dân 115 hỗ trợ, BV Q.9 được BV Nhân dân Gia Định hỗ trợ (hiện có dấu hiệu thu hút bệnh nhân đông), BV Q.7 được BV Q.Thủ Đức hỗ trợ. Trong thời gian tới, BV Nguyễn Tri Phương sẽ hỗ trợ cho BV Q.8, BV Hùng Vương hỗ trợ cho BV Q.6.
Về chuyên môn, ông Thượng cho biết do nội thành có nhiều BV chuyên khoa, đa khoa đầu ngành nên các BV quận nội thành tập trung phát triển khám, điều trị ngoại trú, không đầu tư lớn cho nội trú mà chỉ đầu tư những lĩnh vực chuyên khoa cơ bản. Còn những BV quận, huyện ngoại thành thì phát triển cả về nội trú, lẫn ngoại trú.
“Hiện có 3 BV hạng 1 ngoại thành là Thủ Đức, Q.2 và Bình Tân phát triển tốt. Sở Y tế TP.HCM ủng hộ những BV quận, huyện còn lại lên BV hạng 1 để chia sẻ quá tải tại các BV đa khoa ở trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân có nhu cầu”, ông Thượng nói thêm.
Bình luận (0)