Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN-MT H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.
Phạt hơn 5 tỉ đồng vi phạm về môi trường
Toàn H.Bình Chánh có khoảng 15.524 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, trong đó có 3.644 đơn vị phát sinh rác thải, nước thải công nghiệp. Đáng lo ngại là có đến 3.282 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen cài trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bà Thảo cho biết các cơ sở này phần lớn được di dời từ các quận nội thành trong hơn 20 năm qua, đa số là các cơ sở nhỏ lẻ, máy móc thiết bị thô sơ, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhà xưởng thuê tạm bợ.
Thống kê mới nhất của H.Bình Chánh cho hay toàn huyện có hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải và các tác động đến môi trường với các ngành nghề tái chế phế liệu, nhuộm, giặt sấy vải, thực phẩm…. Trong đó, có 617 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và 84 cơ sở cơ sở ô nhiễm môi trường, đã bị xử phạt trong năm 2020 và 2021. Các cơ sở gây ô nhiễm tập trung nhiều nhất tại xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B.
Một vụ lén lút chôn chất thải nguy hại ở Bình Chánh vào tháng 7.2018 |
ctv |
Từ đầu năm 2022 đến nay, H.Bình Chánh kiểm tra 449 cơ sở, huyện ban hành 120 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 5,1 tỉ đồng. Bà Thảo cũng cho biết Phòng TN-MT đã chủ động kiểm tra, tham mưu UBND huyện chuyển Công an Huyện kiểm tra, xác minh theo thẩm quyền 4 trường hợp trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B.
Các cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, vi phạm nhiều hành vi, bị người dân, các phương tiện truyền thông thường xuyên phản ánh. Những cơ sở này có nhà xưởng tạm bợ trên đất nông nghiệp, chủ yếu vào ban đêm để đối phó với cơ quan chức năng... Trong 4 trường hợp nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh có thông báo tiếp nhận kiến nghị khởi tố hồi tháng 3.2022 đối với trường hợp bà Đào Thị Liên, ngụ xã Vĩnh Lộc B. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Tập trung xử lý các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, Trưởng phòng TN-MT H.Bình Chánh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn huyện có cơ chế hỗ trợ về địa điểm tiếp nhận và chính sách di dời phù hợp đối với các cơ sở nguy cơ ô nhiễm xen cài trong khu dân cư.
Đồng thời, tham mưu UBND huyện kiến nghị UBND TP.HCM quy hoạch khu vực chuyên biệt cho hoạt động tái chế và các cơ sở nguy cơ ô nhiễm khác, cơ sở nằm xen cài trong khu dân cư.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đề nghị tập trung xử lý các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường |
xuân khánh |
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh lo ngại dù kiểm tra, xử phạt nhiều nhưng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vẫn tập trung về địa bàn huyện, nhất là các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu. “Phải xử lý nghiêm từ thủ tục thu mua phế liệu, hóa đơn, thuế đến phòng cháy chữa cháy thì những cơ sở này mới không tồn tại nữa”, ông Nam nói, và đề nghị tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, gây ô nhiễm đất, xe quá tải gây ô nhiễm môi trường.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, ông Nam yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát không chỉ vấn đề về môi trường mà cả cháy nổ, an toàn lao động, an ninh trật tự xã hội…
Đối vấn đề rác thải sinh hoạt, ông Nam dẫn chứng mỗi ngày Bình Chánh phát sinh 600 tấn rác nhưng chỉ có 3 điểm trung chuyển nên không đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, UBND huyện cần sớm hoàn thành quy hoạch điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt hợp lý.
Bình Chánh có 846.000 dân, một số xã có tới 60-70% là dân nhập cư. Bí thư Huyện ủy Bình Chánh nhấn mạnh đây là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế xã hội địa phương, tuy nhiên do cuộc sống, mưu sinh và ý thức nhiều người chưa cao nên ứng xử với môi trường chưa chuẩn mực. Do đó, các đơn vị cần tổ chức đa dạng hình thức truyền thông gần gũi, sinh động, dễ tiếp nhận và thay đổi hành vi.
Bình luận (0)