Theo đó, ngày 10.3, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho PV Thanh Niên biết, trong ngày bệnh viện đón 80 bệnh nhi nội trú (chưa kể phụ huynh là F0 và F1) và 400 lượt khám, tầm soát Covid-19 ngoại trú (trong đó có 12 trẻ có bệnh nền cần nhập viện theo dõi).
Test Covid-19 trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2 |
DUY TÍNH |
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 10.3 chưa có thống kê nhưng số lượt khám khá cao trong ngày 9.3. Theo đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 145 trẻ nội trú và gần 700 trẻ đến khám ngoại trú tầm soát Covid-19.
Cũng trong ngày 9.3, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 58 trẻ mắc Covid-19 nội trú và 251 ca khám ngoại trú có chỉ định tầm soát Covid-19, kết quả có 136 em dương tính.
Theo lãnh đạo các bệnh viện, phần lớn trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, số trẻ cần chỉ định nhập viện theo dõi ít, chỉ 1 - 2 ngày sau là xuất viện.
Tổng cộng trẻ đang điều trị Covid-19 trên toàn địa bàn TP.HCM là 366 trẻ. Tổng số trẻ em tại TP.HCM mắc Covid-19 tính đến ngày 10.3 là 33.625 ca.
Liên quan đến việc học sinh đi học mắc Covid-19 gia tăng, theo Sở Y tế TP.HCM, trong 1 tháng trở lại đây, cụ thể từ ngày 7.2 đến ngày 7.3, đã có 19% số trường học ghi nhận ca nghi nhiễm tại trường. Số ca nhiễm ghi nhận cao ở khối THPT, kế tiếp là THCS. Thời gian tới, Trung tâm y tế quận huyện, TP.Thủ Đức cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc kiểm soát dịch bệnh trong trường học.
Tính đến hết ngày 10.3, TP.HCM có 98.389 ca F0 đang cách ly, chăm sóc và điều trị. Trong đó có 5.452 ca F0 nhập viện tầng 2, tầng 3; 813 ca cách ly tập trung và 92.124 ca cách ly tại nhà.
Hai trẻ nhiễm Covid-19 bị bỏng nước sôi
Cũng trong ngày 10.3, khoa Điều trị Covid-19 trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, gần đây ghi nhận liên tiếp các ca Covid-19 trẻ em bị bỏng nặng liên quan xông lá thuốc.
Một ca là bé trai (12 tuổi, Long An), nhiễm Covid-19 và được người nhà cho xông lá thuốc. Khi em đang xông, người lớn đùa giỡn và vô tình đá vào chậu nước xông, nước văng lên làm em phỏng nặng nửa thân dưới và bộ phận sinh dục. Bé nằm viện 21 ngày nay, đặt thông tiểu 2 tuần vẫn chưa ổn định và chưa tự tiểu tốt. Bé phải chịu đau đớn, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, an thần, giảm đau.
Một bé gái 10 tuổi khác nhiễm Covid-10 cũng bỏng nặng toàn thân liên quan nước sôi xông lá thuốc trị Covid-19 mẹ nấu.
Theo các bác sĩ, ngoài nguy cơ bỏng và tai nạn không đáng có do cố tình hay vô ý, về phương diện y khoa, trẻ nhỏ không được khuyến cáo xông bất kỳ lá hoặc thuốc nào ngoài môi trường y tế, do niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp rất mỏng, nếu xông trực tiếp vào vùng này sẽ làm hại niêm mạc. Nếu xông quá nhiều có thể làm khô niêm mạc mũi và làm giảm khả năng chống vi rút của cơ thể, không chỉ mỗi Covid-19 mà nhiều bệnh về đường hô hấp khác. Xông chỉ là một trong những biện pháp giảm tình trạng khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, chứ không giết được virus, không nên lạm dụng.
Mặt khác, việc xông hơi không hề có tác dụng và không an toàn với trẻ, bởi cha mẹ không thể đảm bảo được nhiệt độ an toàn cho trẻ. Đồng thời các sản phẩm xông không đảm bảo an toàn, chứa hóa chất độc hại khi xông thẳng vào mũi trẻ có thể gây viêm nhiễm, bội nhiễm đường hô hấp.
Liên quan đến Covid-19 trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa cứu sống bệnh nhi T.M.Đ (12 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) vừa mắc Covid-19, vừa dư cân béo phì với cân nặng 67 kg (bình thường ở lứa tuổi này khoảng 34 - 36 kg), lại vừa mắc sốt xuất huyết.
Bình luận (0)