TP.HCM: Điều gì đã giúp kéo giảm 30% bệnh nhân Covid-19 tử vong trung bình theo ngày?

Duy Tính
Duy Tính
11/09/2021 16:15 GMT+7

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM nhận định, số bệnh nhân tử vong do Covid -19 tại TP.HCM đã giảm nhiều.

Ngày 11.9, dữ liệu trên Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM cho thấy số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP.HCM đã giảm sâu. Nếu như ngày 31.8, TP.HCM có 303 bệnh nhân Covid-19 tử vong thì thời gian sau đó ca tử vong giảm liên tục, mỗi ngày giảm vài chục ca đến 100 ca. Hai ngày gần đây giảm còn 203, 195 ca tử vong.

Bản tin Covid-19 ngày 11.9: Cả nước 11.932 ca nhiễm | Tiến tới mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc

Phát huy mô hình bệnh viện chị - em để điều trị bệnh nặng

TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức Covid-19 là bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19.
Từ ngày 27.4 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2.814 ca và đã cho xuất viện 1.444 ca. Hiện còn 252 ca đang điều trị. Trong đó có 955 ca tử vong tại bệnh viện (tỉ lệ 33,9%), tử vong trước nhập viện là 163 ca (tỉ lệ 5,8%).
Trong khi đó, từ 15.7 đến 11.9, Bệnh viện hồi sức Covid-19 tiếp nhận 2.787 ca, đã xuất viện và chuyển viện 1.333 ca, đang điều trị 697 ca. Đã có 757 ca tử vong (3 ca tử vong trước nhập viện), tỉ lệ 27%.
“Trước đây, mỗi ngày tử vong từ 20 - 25 ca, thì đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong đã giảm. Tỷ lệ tử vong chung tại bệnh viện hiện nay ở mức 26%, so sánh với y văn thế giới cho thấy, tỉ lệ này được kiểm soát tốt hơn một số nước ”, TS.BS Nguyễn Tri Thức nói.
Để làm được điều này, ngoài việc tăng cường trang thiết bị y tế, nhân lực (1.658 người), thuốc để đáp ứng điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy còn thành lập các nhóm Viber trao đổi chuyên môn, thực hiện giao ban trực tuyến hàng ngày với bệnh viện “chị - em” (bệnh viện Trung ương, trung tâm hồi sức đóng vai trò là chị). Chiều hàng ngày, bệnh viện cử 4 bác sĩ hồi sức xuống tuyến 2 xem để nắm bắt tình hình bệnh nhân.
“Bên cạnh điều phối bệnh nhân tốt, Bệnh viện hồi sức Covid-19 triển khai phòng mổ cấp cứu ngay tại bệnh viện, đồng thời điều trị tâm lý và vật lý trị liệu sau Covid-19 cho bệnh nhân”, TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết.

Đánh chặn từ xa

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, để giảm tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng tử vong, chiến lược trong giai đoạn tới là: Về chuyên môn là đánh chặn từ xa; dự trù số lượng giường bệnh đáp ứng tình hình dịch bệnh; đảm bảo cung ứng đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13) cho biết, trung tâm có 500 giường, trong đó có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập, 200 giường cho bệnh nhân thở ô xy và 100 giường dành để bệnh nhân cai ô xy và chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR đủ tiêu chuẩn để ra viện.
Mặc dù Trung tâm đã thiết lập bồn ô xy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu người bệnh, nhưng hiện vẫn đang nỗ lực tăng thêm ô xy, bởi số lượng bệnh nhân được chuyển đến ngày càng nhiều. “Việc can thiệp kịp thời liệu pháp ô xy sẽ đồng thời ngăn chặn bệnh diễn biến nặng do vi rút Covid-19 gây ra, mở ra hy vọng cứu nhiều bệnh nhân nặng”, GS.TS Giang nói.
Ngoài việc điều trị và chăm sóc, các y bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức còn phát huy thế mạnh đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cũng như chuyển giao các kỹ thuật cao về hồi sức tích cực như lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ... cho các cơ sở y tế của H.Bình Chánh và Q.Bình Tân. Song song với việc hội chẩn các ca bệnh nặng của các bệnh viện các tuyến, các y bác sĩ của Bệnh Hữu nghị Việt - Đức đã đến tận nơi khảo sát tình hình các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm san sẻ khó khăn của các đồng nghiệp và góp phần điều trị người bệnh từ đầu, giảm tải cho tuyến trên.

Covid-19 sáng 12.9: Cả nước 601.349 ca nhiễm, 363.462 ca khỏi | TP.HCM triển khai VNEID

TP.HCM triển khai nhiều biện pháp đồng bộ

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo kết quả các giải pháp giảm tỷ lệ tử vong Covid-19 tại TP.HCM theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP.HCM.
Trong báo cáo này, điều đáng lưu ý theo Sở Y tế, mặc dù số ca F0 cộng đồng ngày càng nhiều, nhưng tỷ lệ F0 cách ly tại nhà cần nhập viện có xu hướng giảm.
“Điều này có thể liên quan tới việc triển khai các trạm y tế lưu động tại phường, xã, thị trấn và gói thuốc điều trị Covid-19 tại nhà. Hiện thành phố có 546 trạm y tế lưu động để chăm sóc, điều trị F0 cách ly tại nhà”, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế, số ca nhập viện với tình trạng nặng cần hỗ trợ hô hấp vẫn còn cao, tương ứng số tử vong vẫn đang ở mức cao
Để giảm bệnh nhân Covid-19 tử vong, TP.HCM thiết lập đủ cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tổng cộng 105.454 giường.
Cụ thể, 191 cơ sở cách ly tập trung (35.369 giường), 81 bệnh viện tầng 2 (64.400 giường) và 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức chuyên sâu ở tầng 3 (4.600 giường).
Ngoài ra, 9 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện chuyên khoa tư nhân tham gia tiếp nhận điều trị Covid-19 với 1.085 giường. Thành lập 520 trạm y tế và quản lý người F0 đang cách ly tại nhà.

Bảo đảm nhân lực và năng lực chuyên môn

Về việc điều trị giảm bệnh nhân Covid-19 tử vong, nhân lực và năng lực chuyên môn rất quan trọng. Để đảm bảo 3 tầng điều trị, TP.HCM có 17.653 người; nhân lực Trung ương, bộ ngành, tỉnh thành khác tăng cường với 13.752 người, chưa kể tình nguyện viên, F0 hết bệnh, lực lượng y tế tư nhân… Các hoạt động tập huấn, đào tạo chăm sóc bệnh nhân Covid-19, phân tầng điều trị, điều phối bệnh nhân, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh…
Đi cùng các bệnh viện, giường bệnh là trang thiết bị y tế. TP đã cấp 560 máy thở chức năng cao; 620 máy thở xâm nhập, không xâm nhập; 2.400 hệ thống ô xy dòng cao (HFNC), 39 máy lọc máu liên lục; 3 hệ thống ECMO; 11 máy X-quang di động; 4 hệ thống RT-PCR tự động; 7 hệ thống PCR bán tự động và các trang thiết bị khác (bơm tiêm điện, monitor theo dõi bệnh nhân, máy do SpO2, máy đo huyết áp, máy tạo ô xy...).
Từ 7.9 đến 10.9, TP.HCM nhận từ nhà tài trợ và phân bố tiếp tục 70 máy thở chức năng cao cho các đơn vị điều trị Covid-19, đồng thời sẽ ký hợp đồng và bàn giao một số trang thiết bị thực hiện từ nguồn ngân sách TP (máy thở chức năng cao, X-quang di động, máy siêu âm Doppler màu, máy thận nhân tạo, máy lọc máu liên tục, bơm tiêm điện, máy truyền dịch..).
Ô xy là vấn đề cần tăng cường bổ sung quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã lắp đặt 7.799 giường có ô xy (gồm 4.415 máy thở và 3.384 mask thở) và 3.595 ổ khí. Ngoài ra, Sở Y tế đã lắp đặt 113 bồn ô xy tại các bệnh viện với tổng dung tích 821m3, trong đó loại bồn 1m3 là 31 cái và loại bồn hơn 2m3 là 82 cái...
Tính đến ngày 11.9, TP.HCM có 286.762 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 11.604  bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.