TP.HCM: Dự án cây xanh cách ly bãi rác cả chục năm vẫn ‘nằm trên giấy’

21/09/2022 13:37 GMT+7

Cây xanh cách ly giống như vành đai giữa bãi rác với các khu dân cư để hạn chế mùi hôi thối nhưng tiến độ triển khai rất chậm, khiến cuộc sống người dân TP.HCM bị xáo trộn kéo dài.

Với hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt hằng ngày, phần lớn rác thải được xử lý tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (H.Củ Chi) và Khu liên hợp Xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (H.Bình Chánh).

Để hạn chế mùi hôi bay đến các khu dân cư xung quanh bãi rác, TP.HCM đã triển khai nhiều dự án trồng cây xanh cách ly. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn do Sở TN-MT vừa gửi Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, hầu hết các dự án cây xanh cách ly đều chưa triển khai.

Dự án bồi thường 'đội vốn' hơn 2.000 tỉ đồng

Theo Sở TN-MT TP.HCM, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư giai đoạn 2 (rộng 200 ha) để trồng cây xanh cách ly thuộc Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc ban đầu có tổng mức đầu tư dự kiến 526 tỉ đồng. Dự án này đã hoàn tất công tác đo đạc, cắm ranh mốc, lập bản đồ vị trí và bàn giao cho các đơn vị từ tháng 9.2011.

Đường dẫn vào Khu liên hợp Xử lý chất thải Tây Bắc bụi bay mù mịt, rác thải vương vãi dọc lối đi

NGUYÊN VŨ

Đến tháng 3.2019, chủ đầu tư là Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM (MBS) có văn bản trình Sở TN-MT hồ sơ thẩm định nội bộ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 2.529 tỉ đồng (tăng 2.003 tỉ đồng), nguyên nhân tăng kinh phí bồi thường do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi.

Tương tự, tại Khu liên hợp Xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (H.Bình Chánh), dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly thuộc rộng 268 ha cũng do MBS làm chủ đầu tư cũng đang "đứng hình".

Chủ đầu tư đã đo đạc, kiểm kê 726/772 hộ dân bị ảnh hưởng. Ban đầu, tổng mức đầu tư dự án chỉ có 1.069 tỉ đồng, nhưng sau đó tăng lên 3.122 tỉ đồng (tăng 2.053 tỉ đồng), nguyên nhân chính do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi dẫn đến chi phí bồi thường tăng.

Cũng tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly thuộc giai đoạn 3 (rộng 67 ha), tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỉ đồng được HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương từ tháng 4.2016 nhưng chưa triển khai. Lý do xuất phát từ dự án bồi thường giai đoạn 2 (200 ha) chưa thực hiện xong, nên chưa có cơ sở thực hiện giai đoạn 3.

Đất đai ô nhiễm, không thể canh tác

Các dự án bồi thường chậm trễ cũng kéo theo dự án trồng cây xanh cách ly đi vào ngõ cụt, cuộc sống người dân tiếp tục bị tra tấn bởi mùi hôi tỏa ra từ bãi rác. Báo cáo của Sở TN-MT thừa nhận dự án trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước rộng 268 ha, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng chưa triển khai.

Hai dự án trồng cây xanh cách ly khác tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc giai đoạn 2 với quy mô 197 ha và giai đoạn 3 quy mô 67 ha (tổng mức đầu tư 2 dự án là 90 tỉ đồng) cũng "đứng hình" vì 2 dự án bồi thường chưa hoàn tất.

Dự án trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc chưa triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng

NGUYÊN VŨ

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM hồi cuối tháng 8.2022, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi nêu bức xúc của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn do hoạt động của Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Nguồn nước xung quanh khu xử lý rác thải bị ô nhiễm, đất đai cũng không thể canh tác dù trước đây người dân có thể làm 2 - 3 vụ lúa.

Do đó, UBND H.Củ Chi đề nghị Sở TN-MT tham mưu UBND TP.HCM sớm triển khai dự án trồng cây xanh cách ly. “Nếu dự án này kịp làm để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, thì đó sẽ là niềm vui không thể tả đối với người dân H.Củ Chi", bà Hiền mong mỏi.

Tốn hàng ngàn tỉ đồng để cải tạo 2 bãi rác

Sở TN-MT TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị có 2 dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức hợp tác công tư với mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường, tạo quỹ đất phát triển đô thị tại bãi rác đã hoàn thành việc chôn lấp. Trong đó, bãi chôn lấp Gò Cát (Q.Bình Tân) rộng 25 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 2.800 tỉ đồng; còn bãi chôn lấp Đông Thạnh (H.Hóc Môn) rộng 45 ha có tổng mức đầu tư lên đến 5.400 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.